Một điểm mới trong dự án luật Đường bộ được Bộ GTVT chủ trì soạn thảo là bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác (điều 45).
Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, quy định phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác có thể dẫn tới việc thu trùng các loại phí liên quan đến đường bộ.
Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định điều khoản chuyển tiếp giao Chính phủ thẩm quyền quyết định việc xử lý thu phí chồng phí là chưa bảo đảm minh bạch về chính sách.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc thu phí, quản lý, sử dụng phí phải đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; tạo nguồn lực để phát triển, duy trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ... Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét, đánh giá kỹ sự cần thiết, tính khả thi và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Trước đó, báo cáo Quốc hội, Bộ GTVT đưa ra quan điểm phương án thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí là có hiệu quả và tính khả thi cao hơn phương án thu theo cơ chế giá.
Số tiền phí thu được được nộp ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách, trong đó ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác.
Nguyên tắc phân chia số tiền phí thu được trên từng tuyến cao tốc được nộp vào ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư của ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương tham gia dự án đầu tư tuyến cao tốc đó.
Bình luận (0)