Thu phí đại lộ Thăng Long sẽ khiến ‘phí chồng phí’

08/02/2014 10:30 GMT+7

Trước việc UBND TP.Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho phép thu phí sử dụng đường bộ đối với xe lưu thông trên phần đường cao tốc của đại lộ Thăng Long, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, đề xuất của Hà Nội là vô lý, vì nguồn kinh phí làm đại lộ này từ ngân sách, xét theo Nghị định 18 thì không được phép thu phí.

Trước việc UBND TP.Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho phép thu phí sử dụng đường bộ đối với xe lưu thông trên phần đường cao tốc của đại lộ Thăng Long, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, đề xuất của Hà Nội là vô lý, vì nguồn kinh phí làm đại lộ này từ ngân sách, xét theo Nghị định 18 thì không được phép thu phí.

 Người dân đi trên đại lộ Thăng Long phần cao tốc có thể sẽ phải đóng phí nếu đề xuất của Hà Nội được thông qua - Ảnh: Ngọc Thắng
Người dân đi trên đại lộ Thăng Long phần cao tốc có thể sẽ phải đóng phí nếu đề xuất của Hà Nội được thông qua - Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Thanh phân tích: Khi Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực thì người dân đã đóng phí theo đầu phương tiện, nếu cho phép thu phí tiếp sẽ là phí chồng phí. “Lý do Hà Nội đưa ra để thu phí là được sử dụng thêm một số biển báo, chỉ dẫn thông minh… chúng tôi không đồng ý. Mặt khác, nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng tuyến đường đã được trích ra từ quỹ bảo trì đường bộ mà người dân phải đóng. Ngay từ năm ngoái, khi Hà Nội đưa ra ý tưởng thu phí, chúng tôi đã có ý kiến không đồng ý”, ông Thanh bày tỏ quan điểm.

Cũng theo chuyên gia này, nếu chấp thuận cho Hà Nội thu phí có thể sẽ tạo tiền lệ cho nhiều tuyến đường đầu tư bằng ngân sách của các tỉnh thu phí theo.

Theo ông Thanh, “các trạm thu phí BOT dày đặc đã tạo áp lực rất lớn cho người dân, nếu cho thu phí thì phải bỏ Quỹ bảo trì đường bộ, không tạo ra phí chồng phí, mới là công bằng cho người dân”.

Trao đổi với Thanh Niên Online, một lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết bộ này chưa nhận được văn bản hỏi ý kiến về đề xuất cũng như giải trình của Hà Nội về lý do phải thu phí. Đề xuất này sẽ phải được các bộ, ngành tham gia ý kiến trước khi Chính phủ có quyết định chính thức.

“Về nguyên tắc, chỉ các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT mới được thu phí. Với các tuyến đường khác, nếu có lý do chính đáng và giải trình hợp lý, không vi phạm các quy định trong Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ thì mới được phép thu phí”, vị này lý giải.

Trong văn bản đề xuất chính thức với Thủ tướng mới đây, Hà Nội cho biết, nếu được chấp thuận, sẽ đầu tư hệ thống thu phí bằng nguồn ngân sách TP với phương thức thu phí khép kín, phí trả theo loại xe và chặng đường đã đi. Đại lộ Thăng Long có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách với 7.500 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư là 1.800 tỉ và ngân sách TP gần 5.700 tỉ đồng, là công trình khánh thành năm 2010 chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo UBND TP Hà Nội, việc thu phí áp dụng với làn cao tốc trên đại lộ, trường hợp người tham gia giao thông không sử dụng đường cao tốc, có thể đi vào đường gom song song và không phải nộp phí.

Mai Hà

>> Cao tốc Nội Bài – Lào Cai thu phí 40.000 đồng – 150.000 đồng/xe
>> Tăng thu phí trạm Bàn Thạch, Ninh An
>> Xã tự lập trạm thu phí đường bộ
>> Thu phí 23 km đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
>> Bắt đầu di dời Trạm thu phí Định Quán

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.