Thử sức mạnh của Galax RTX 2080 Ti HOF ở độ phân giải 4K

Tôn Bảo
Tôn Bảo
12/04/2019 11:13 GMT+7

Geforce RTX 2080 Ti hiện đang là chiếc VGA thương mại mạnh nhất của Nvidia ở thời điểm hiện tại. Hãy thử xem ở độ phân giải 4K thì Galax RTX 2080 Ti HOF làm được gì nhé!

Ưu điểm
Thiết kế Galax RTX 2080 Ti HOF hầm hố với tông màu đặc thù phù hợp với các hệ thống máy tính chủ đề màu trắng.
Tích hợp công nghệ ray-tracing RTX, DLSS và hỗ trợ chạy đa card NVLink.
Hiệu năng ở xung mặc định rất tốt ở độ phân giải 4K.
Khả năng ép xung khá cao đặc biệt là xung bộ nhớ.
Quạt làm mát sử dụng công nghệ quạt bán chủ động giảm độ ồn.
Nhiệt độ hoạt động mát.
Trang bị backplate kim loại bảo vệ mặt sau và tăng cường tản nhiệt card đồ hoạ.
Độ ồn ở tốc độ quạt mặc định ở mức chấp nhận được.
Có nút HyperBoost tăng tốc quạt hạ nhiệt độ nhanh.
Có HOF Panel theo dõi thông số card trực quan hơn so với phần mềm.
Hỗ trợ đèn LED RGB trên thân card và trụ đỡ, có thể điều chỉnh hiệu ứng trong phần mềm HOF AI.

Nhược điểm
Giá cao.
Đèn LED RGB không đồng bộ trên thanh trụ đỡ lẫn thân card, khả năng lớn nằm ở phần mềm điều khiển HOF AI.
Hiệu năng ở độ phân giải 1080p, 1440p ở các tựa game Assassin's Creed Odyssey/Origins, Far Cry 5/New Dawn không quá vượt trội so với những card đồ họa cấp thấp.
Hiệu năng sau khi ép xung ở 4 game của Ubisoft và Metro Exodus chưa có nhiều khác biệt.
Công suất tiêu thụ lớn.
Thiết kế
Mặt trước Galax RTX 2080 Ti HOF được trang bị bộ giáp tản nhiệt với tông trắng xám chủ đạo, phù hợp với các hệ thống máy tính sử dụng linh kiện cùng tông. Phần logo HOF đặt ở phía trên chếch về bên phải của card có hỗ trợ LED RGB và bạn có thể điều khiển màu thông qua phần mềm HOF AI.
Mặt sau của chiếc card này bạn sẽ có 1 khung backplate bằng kim loại cũng được phủ sơn trắng gốm để đem lại độ toàn vẹn màu sắc cho sản phẩm. Ngoài ra, nó cũng có công dụng tản nhiệt và giúp bảo vệ card không bị cong trong quá trình sử dụng lâu dài. Đây là điều cần thiết đối với một chiếc card đồ họa cao cấp trang bị bộ tản nhiệt khủng và nặng nề như Galax RTX 2080 Ti HOF.
Sở hữu độ dày  5.7cm và có 3 quạt tản nhiệt, RTX 2080 Ti HOF sẽ chiếm đến 3 slot PCIe trên bo mạch chủ của bạn. Với nền tảng Turing, NVIDIA sử dụng chuẩn giao tiếp đa card NVLink thay thế cho SLI trước đây.
RTX 2080 Ti HOF cần đến 3 đầu cắm nguồn 8 pin để hoạt động, đồng nghĩa với việc tổng điện năng tiêu thụ của chiếc card này trên lý thuyết có thể lên tới 450W. Đây là một con số rất lớn tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận đây là một chiếc card đồ họa cao cấp cũng như được thiết kế dành cho dân chơi máy tính khủng với những bộ nguồn công suất lớn.
Dàn cổng kết nối của RTX 2080 Ti HOF bao gồm 3 cổng DisplayPort 1.4a, 1 cổng HDMI 2.0b, 1 cổng USB-C VirtualLink dành cho các bộ headset VR cao cấp. NVIDIA đã cập nhật engine hiển thị với vi kiến trúc Turing, giờ đây cổng DisplayPort 1.4a đã hỗ trợ chuẩn hình ảnh gần như không nén Display Stream Compression (DSC) của VESA. Điều này có nghĩa là bạn có thể xuất được từ card đồ hoạ ra màn hình độ phân giải 8K@30Hz thông qua một dây DisplayPort, hoặc 8K@60Hz khi kích hoạt DSC. VGA đến từ Galax còn được trang bị nút bấm HyperBoost cho phép bạn đẩy tốc quạt lên 100% hoặc một mức nhất định thiết lập trong phần mềm HOF AI để hạ nhiệt độ card nhanh chóng.
So với RTX 2080 Ti bản Founder Edition của Nvidia có giá 1.200 USD, Galax RTX 2080 Ti HOF còn mắc hơn nhiều, 47 triệu đồng.
Phần mềm HOF AI

Trước đây, Galax đã từng phát triển cho riêng mình ứng dụng Xtreme Tuner và Tuner Plus. Dành cho các sản phẩm VGA cao cấp hiện tại, Galax tiếp tục tung ra HOF Suite hay HOF AI, cho phép người dùng điều chỉnh điện thế, xung nhịp, tốc độ quạt, HOF AI còn có thêm các tính năng khác như điều khiển đèn LED RGB, thiết lập tốc độ quạt cố định khi sử dụng chức năng HyperBoost hay điều chỉnh tốc độ quạt theo profile định sẵn hoặc tùy biến, v.v...
Hệ thống thử nghiệm, các thiết lập game, trình benchmark và kết quả

Cấu hình giản lược
Cấu hình chi tiết
Các trình benchmark/game và thiết lập in-game
3DMark FireStrike/Extreme/Ultra
3DMark TimeSpy/Extreme
3DMark Port Royal
Unigine Superposition 4K Optimized/Full HD Extreme
Game
 Assassin's Creed Odyssey Ultra High preset 1080p/1440p/4K
Assassin's Creed Origins Ultra High preset 1080p/1440p/4K
Far Cry 5 Ultra preset 1080p/1440p/4K
Far Cry New Dawn Ultra preset 1080p/1440p/4K
Final Fantasy XV benchmark High preset 1080p/1440p/4K
Final Fantasy XV benchmark High preset 4K DLSS
Metro Exodus DX12 Extreme preset 1080p/1440p/4K
Metro Exodus DX12 RTX preset 1080p/1440p/4K
Middle Earth: Shadow of War Ultra preset 1080p/1440p/4K
Shadow of the Tomb Raider DX12 Highest preset 1080p/1440p/4K
Strange Brigade Ultra preset 1080p/1440p/4K

Để biết được sức mạnh của RTX 2080 Ti HOF như thế nào, sẽ dùng các mẫu card trong dòng GTX như 1060 6GB, 1070 Ti, 1080, 1080 Ti bên cạnh các đại diện của dòng RTX là 20602070, 2080 cũng như nhân tố mới GTX 1660 Ti để làm phép thử so sánh. Lưu ý là những chiếc card được đem ra so sánh với RTX 2080 Ti HOF đều là phiên bản gốc Founders Edition và bản GTX 1660 Ti có xung nhịp theo mẫu tham khảo từ NVIDIA.

Dưới đây là biểu đồ hiệu năng của card đồ hoạ RTX 2080 Ti HOF:

Ở các bài test đồ họa đơn thuần như 3DMark hay Superposition, Galax RTX 2080 Ti HOF có điểm đánh giá quá vượt trội so với những người anh em của mình trong họ GeForce về hiệu năng xử lý, đặc biệt là ở bài Port Royal thử nghiệm tốc độ dựng ảnh phản chiếu theo thời gian thực Ray Tracing, chiếc card của Galax cũng không mấy khó khăn trong việc đánh bại các đại diện khác của dòng RTX.
Tiếp theo đến phép thử game đầu tiên là Final Fantasy XV. Ở mức thiết lập High trên cả 3 độ phân giải 4K/1440p/1080p, RTX 2080 Ti HOF lại thể hiện hiệu năng khá ấn tượng với điểm số cao so với những cái tên còn lại.
Đến các bài test game nặng nề hơn như bộ đôi Assassin's Creed Odyssey và Assassin's Creed Origins thì tôi lại khá bất ngờ. Đặc biệt là ở bài Assassin's Creed Origins khi ở cả 2 độ phân giải 1080p và 1440p, RTX 2080 Ti HOF không thực sự quá nổi trội so với những cái tên dưới tầm cùng dòng RTX như 2060, 2070, 2080 hay dòng GTX với 1080 Ti, 1080. Trong khi đó, sự khác biệt chỉ đến ở độ phân giải 4K khi chiếc card của Galax đã chứng tỏ vị thế dẫn đầu hiệu năng của mình. Còn ở phiên bản Odyssey, tựa game này cũng không khiến RTX 2080 Ti gặp khó ở 2 độ phân giải 1080p và 1440p. Tuy nhiên, ở độ phân giải 4K thì RTX 2080 Ti chưa thực sự hiệu quả khi FPS trung bình chỉ 48 nhưng bạn có thể khắc phục bằng cách giảm thông số khử răng cưa (Anti Aliasing), mật độ mây trời (Volumetric Clouds) cũng như đổ bóng môi trường (Ambient Oclusion) của game xuống một chút là FPS trung bình sẽ tăng lên rất nhiều.
Với hai bài test Far Cry 5 và Far Cry New Dawn, RTX 2080 Ti HOF cũng có chung vấn đề như ở bài Assassin's Creed Origins khi hiệu năng thử nghiệm trên độ phân giải 1080p. Cụ thể, hiệu năng của RTX 2080 Ti HOF không cao hơn thậm chí còn kém hơn đôi chút so với những chiếc card cùng dòng RTX và cả chiếc card đầu bảng một thời GTX 1080 Ti. Hơn nữa nếu để ý kỹ hơn, ở bài Far Cry New Dawn độ phân giải 1080p, GTX 1660 Ti cũng chỉ kém 1 khung hình so với chiếc card của Galax. Kéo độ phân giải lên một chút là 1440p ở tựa game kể trên, RTX 2080 Ti HOF cũng không thể hiện được mình so với người anh em RTX 2080 cũng như thua đôi chút so với GTX 1080 Ti. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi đẩy độ phân giải lên 4K, RTX 2080 Ti HOF mới trở lại ngôi đầu trong cuộc đua FPS ở cả hai bài Far Cry 5 và New Dawn. Tuy nhiên, chiếc card của Galax cũng chỉ đạt 50 FPS trung bình ở bài Far Cry 5. Vì thế, bạn có thể hai thông số bóng đổ (Shadows) và chi tiết môi trường (Environment) xuống mức High thì game sẽ trở về mức FPS lý tưởng trên 60 ở độ phân giải 4K.
Kế tiếp là bài thử nghiệm có lẽ là nặng nhất trong danh sách của tôi, Metro: Exodus. RTX 2080 Ti HOF đã hoàn thành rất tốt preset Extreme ở cả 2 độ phân giải 1080p và 1440p với mức FPS trung bình xấp xỉ hoặc vượt xa mốc 60 lý tưởng. Tuy nhiên, lên đến độ phân giải 4K thì FPS trung bình của RTX 2080 Ti HOF đã rớt xuống 41, qua đó cũng cho thấy khả năng tàn sát phần cứng của Metro: Exodus là quá khủng khiếp cũng như nội lực của một mình chiếc card RTX 2080 Ti HOF là chưa đủ để chạy tốt tựa game này ở độ phân giải 4K.
Mọi chuyện có đôi chút khá khẩm hơn khi chuyển sang preset RTX dành riêng cho card đồ họa RTX, preset này sẽ hạ mức chất lượng xuống Ultra nhưng bù lại các hiệu ứng Ray Tracing hay DLSS đều được kích hoạt thay vì tắt như preset Extreme. Và FPS trung bình của RTX 2080 Ti đã vọt lên 51 khi chạy ở độ phân giải 4K, cao hơn so với phần còn lại của dòng RTX. Nhưng con số 51 vẫn còn thấp hơn so với mức chuẩn 60 FPS, và thiết nghĩ nếu như muốn trải nghiệm tốt Metro: Exodus ở độ phân giải 4K với card đồ họa RTX 2080 Ti nói chung và phiên bản HOF của Galax nói riêng, bạn sẽ phải hạ bớt một số thông số đồ họa trong game một chút hoặc dễ nhất là hạ thông số Shading Rate từ 100% xuống 85-90%.
Thông số Shading Rate của Metro: Exodus tương đương với các tùy chọn về Resolution Modifier ở những game khác, nói nôm na thông số này sẽ quyết định đến chất lượng hình ảnh tổng thể của game khi dựng hình ở độ phân giải thấp hơn theo cơ số % nhưng không hạ độ phân giải thực xuống. Nói cách khác, game của bạn vẫn chạy ở độ phân giải 4K nhưng hình ảnh được thể hiện là ở độ phân giải thấp hơn 4K. Và như thế, trải nghiệm Metro: Exodus trên độ phân giải 4K sẽ tốt hơn trước nhiều khi sử dụng RTX 2080 Ti HOF.
Cuối cùng là 3 tựa game Middle Earth: Shadow of War, Shadow of the Tomb Raider và Strange Brigade. Đã không có bất ngờ nào xảy ra khi ở cả 3 độ phân giải, RTX 2080 Ti HOF vẫn là người đi đầu kèm theo đó mức FPS trung bình rất lý tưởng đều trên 60.
Tiếp theo sẽ tiến hành ép xung chiếc card RTX 2080 Ti HOF của Galax.

Với xung nhân và bộ nhớ lần lượt cao hơn xung gốc 7% và 16%, đây là mức xung nhịp khá cao đặc biệt là xung bộ nhớ, điều cần thiết khi chơi game 4K vì càng lên độ phân giải cao khả năng xử lý của chip nhớ càng được phát huy tối đa.
Sau khi ép xung, ngoại trừ bộ tứ đến từ Ubisoft (Assassin's Creed Odyssey/Origins, Far Cry 5/New Dawn) và thuốc thử hạng nặng Metro: Exodus, tất cả các phép thử còn lại đều cho kết quả khả quan hơn khá nhiều. Với 4 tựa game của Ubisoft, việc ép xung RTX 2080 Ti HOF vẫn chưa cho sự chênh lệch hiệu năng như mong đợi. Chuyện tương tự cũng xảy ra với tựa game Metro: Exodus. Có lẽ chỉ khi áp dụng phương pháp ép xung chuyên dụng sử dụng tản nhiệt nước hay LN2 (Ni tơ lỏng), chiếc card của Galax mới phát huy được hiệu năng tốt nhất trên những tựa game nặng như thế này.

Công suất tiêu thụ
Xem công suất tiêu thụ tổng thể trong 2 trường hợp card đồ hoạ nghỉ và tải nặng tương ứng với mức xung mặc định và ép xung.
Mặc định
Ép xung
Với công suất đo được tối đa trong trường hợp ép xung đã vượt mức 500W, RTX 2080 Ti HOF quả thật ngốn rất nhiều điện. Tất nhiên, với việc đầu tư chiếc card này ắt hẳn bạn đã chuẩn bị cho hệ thống của mình một bộ nguồn tốt có công suất thực từ 700W trở lên rồi.
Kết luận
Nếu là fan cuồng máy tính trong những năm gần đây, có lẽ bạn đã từng biết đến dòng card đồ họa hiệu suất cao HOF hay còn gọi với tên đầy đủ là Hall of Fame (tạm dịch là ngôi đền huyền thoại) của nhà sản xuất Galax. Galax RTX 2080 Ti HOF được thiết kế đúng với tiêu chí hiệu năng nằm ở đẳng cấp hàng đầu, những chiếc card đồ họa dòng HOF được Galax chăm chút rất kỹ lưỡng để chúng trở thành sự lựa chọn hàng đầu dành cho những dân chơi máy tính thứ thiệt. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.