Cầu dài đến 137m mà phía dưới cầu là vực sâu thăm thẳm. Cây cầu chủ yếu được kết bằng những sợi dây thừng to bằng bắp tay, cứ lắc qua lắc lại, gây cảm giác mất thăng bằng. Càng có nhiều người đi qua, cây cầu càng lắc mạnh. Không ít người ra đến giữa cầu phải ngồi thụp xuống rồi… bò sang bên kia, thậm chí có người ôm cầu khóc ngon lành.
Chúng tôi chọn giải pháp kiên nhẫn chờ đến lúc hầu như không có ai qua cầu thì mạnh dạn bước. Phía bên kia là màu xanh của cả một khu rừng với những cây cổ thụ cao lừng lững. Người thiết kế ra cây cầu này quả là có ý đồ rất “độc”: để đến được với khu rừng tuyệt đẹp này, du khách phải có lòng can đảm, phải vượt qua được thử thách mới thấy đích đến có ý nghĩa.
Sau cảm giác hồi hộp vượt cầu là cảm giác choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ. Đón khách ngay đầu cầu bên này là hai trang sách mô phỏng cao hơn 2m với những ống kính để du khách có thể xem toàn bộ quá trình phát triển của tự nhiên, từ kén tằm thành bướm, từ hạt mầm thành cây, từ nụ bé xíu thành hoa. Tất cả nhằm nhắc nhở mọi người biết yêu mến và trân trọng thiên nhiên xung quanh với sự sống hằng ngày đâm chồi, nảy lộc… Bước vào khu rừng này, cảm giác đầu tiên là thiên nhiên nơi đây được bảo tồn và bảo vệ một cách tỉ mỉ. Người ta còn khéo léo thiết kế thêm bảy cây cầu treo nối liền giữa các thân cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tương tự như cây cầu nguyên thủy bắc qua sông Capilano. Mất khoảng 40 phút, du khách trải qua hành trình khám phá khu rừng từ trên cao, qua các cây cầu treo nối liền nhau, cách mặt đất khoảng 30m, ở mỗi điểm nối là thân cây đều có vòng xoay đứng để ngắm cảnh từ mọi phía.
Được xây dựng từ năm 1889, đến nay cầu Capilano vẫn gần như giữ nguyên thiết kế ban đầu, là điểm tham quan lâu đời nhất và đặc biệt nhất của Vancouver vì có sự pha trộn rất lạ giữa yếu tố phiêu lưu, mạo hiểm với giá trị văn hóa và lịch sử.
Đoàn Thanh Trà
Bình luận (0)