Thuế, chất lượng, nhãn mác... vô tư
Anh N.M.H, ngụ tại Q.Tân Bình (TP.HCM) đang kinh doanh ngành nội thất, nhưng tình hình thị trường "đứng hình" khiến công ty của anh cũng lâm vào cảnh nợ nần. Túng thế, anh H. tìm đến hình thức kinh doanh online và nhanh chóng có được nguồn thu kha khá. "Thời điểm dịch Covid-19, tôi ở nhà lập ra kênh YouTube để bình luận thông tin thời sự, may mắn đến nay vẫn còn một lượng khán giả ủng hộ. Vì vậy, bây giờ tôi chuyển qua bán hàng online có người bất ngờ nhưng cũng không ít người đồng cảm và mua hàng giúp, đến nay thu nhập của tôi từ việc bán hàng online cũng hàng chục triệu đồng mỗi tháng", anh H. kể.
Cùng hoàn cảnh, T.T.H, ngụ tại P. Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân (TP.HCM) cũng thất bại trong kinh doanh phải chuyển sang làm các nghề lao động như bán mít, bảo vệ, cuối cùng trở thành YouTuber bán hàng online và chỉ trong một thời gian ngắn đã "phát tài" thấy rõ. T.T.H bán đủ loại mặt hàng, số lượng mỗi ngày một đa dạng hơn, đa số là thực phẩm nhưng không cần đăng ký và cũng chưa từng khai báo thuế thu nhập.
Mới đây, P.P.T.V, một YouTuber tại Huế cũng gây bất ngờ cho những người theo dõi khi chuyển sang bán hàng online với những mặt hàng tinh dầu. "Sĩ diện làm gì khi cái mình cần bây giờ là lo cho gia đình vợ con. Trước đây, tôi không bán hàng online vì sợ nhiều người chê bai, nhưng bây giờ sĩ diện đâu có đem đi cầm cố ngân hàng được, nên tôi quyết định chuyển sang bán hàng". Mặc dù vậy, sản phẩm của YouTuber này không có nhãn mác và đương nhiên không có cơ sở kinh doanh, việc mua bán hoàn toàn giao dịch qua mạng.
Nói về nghĩa vụ nộp thuế, anh N.M.H băn khoăn: "Nếu pháp luật quy định cá nhân kinh doanh online phải đóng thuế thì tôi cũng sẵn sàng thực hiện, nhưng hiện không có ai quản lý, không có ai nhắc nhở, và thực tế việc mua bán sản phẩm của mình tự làm đến tận tay người dùng thì không biết có phải đóng thuế không? Rồi muốn khai báo phải làm sao? Tôi thấy mọi việc diễn ra rất tự do".
Thất thu ngân sách Nhà nước
Với tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh chóng, dư địa thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử được nhận định là rất lớn và cùng với đó là bài toán chống thất thu ngân sách Nhà nước. Hiện Việt Nam mới thu được một số ít thuế nhà thầu do doanh nghiệp Việt Nam kê khai và nộp, còn với các doanh nghiệp xuyên biên giới, chưa thu được các loại thuế có liên quan do họ chưa chấp nhận việc đặt văn phòng, pháp nhân tại Việt Nam. Theo quy định hiện tại, thuế suất thuế kinh doanh thương mại điện tử với cá nhân, hộ kinh doanh từ 1,5 - 10%. Như vậy, Nhà nước đang thất thu một khoản không nhỏ.
Theo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, đặc biệt khi họ không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định.
Hiện có quy định yêu cầu ngân hàng thương mại và các tổ chức thực hiện trung gian thanh toán có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mà không có cơ sở thường trú và không chủ động thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định này đã đặt ra một số vấn đề chưa rõ ràng, khiến ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bối rối.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với sự đa dạng về phương thức, việc kiểm soát hoạt động thanh toán thương mại điện tử là vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, ngay cả khi xác định có luồng tiền từ một chủ thể này sang một chủ thể khác cũng chưa thể khẳng định đó là hoạt động thanh toán cho giao dịch thương mại điện tử, bởi lẽ có hàng trăm lý do để các chủ thể chuyển tiền cho nhau. Ngoài ra, nếu chủ thể kinh doanh thương mại điện tử cố tình gian lận thuế và sử dụng phương thức thanh toán trả tiền mặt khi giao hàng (COD), thì việc kiểm soát luồng tiền để xác định giao dịch thương mại điện tử càng trở nên khó khăn.
Bình luận (0)