Theo đơn tố cáo, cuối năm 2014, dù không có chức năng XKLĐ nhưng công ty vẫn thu của gần 100 người lao động từ 1.500 - 3.000 USD/người và hứa sẽ đưa đi XKLĐ tại Nhật.
Ảnh: Hải Nam |
Sáng 4.12, gần 20 người lao động (NLĐ) trong số gần 100 người đóng tiền đăng ký xuất khẩu lao động (XKLĐ) đi Nhật tập trung trước trụ sở Công ty TNHH tư vấn quản lý phát triển Việt Nhật Vinh Ron (28/1/21 Phan Đình Giót, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) yêu cầu công ty trả lại số tiền đặt cọc đã thu để đưa NLĐ xuất khẩu sang Nhật làm việc (ảnh).
Theo đơn tố cáo của NLĐ, cuối năm 2014, dù không có chức năng XKLĐ nhưng công ty vẫn thu của gần 100 NLĐ từ 1.500 - 3.000 USD/người, kèm theo toàn bộ bản chính giấy tờ tùy thân, bằng cấp và hứa sẽ đưa đi XKLĐ tại Nhật. Nhiều người ở các tỉnh vay mượn tiền, khăn gói vào TP.HCM thuê nhà trọ để học tiếng Nhật theo chương trình đào tạo của công ty. Tuy nhiên, hết thời gian đào tạo, NLĐ chờ mãi vẫn không được làm thủ tục đi Nhật. Ngày 27.7, hàng chục NLĐ đến trụ sở công ty đòi lại tiền và giấy tờ, bằng cấp, đồng thời gửi đơn tố cáo đến Công an Q.Tân Bình, TP.HCM; đại diện công ty hẹn ngày 30.11 sẽ trả tiền và bằng cấp cho NLĐ. Đúng hẹn, NLĐ đến công ty thì lại tiếp tục nhận được những lời hứa.
Ngày 1.12, sau hơn 4 tháng điều tra, Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) đã có thông báo giải quyết tố giác về tội phạm và trả đơn cho NLĐ, đề nghị NLĐ khởi kiện tại tòa án để đòi số tiền đã nộp cho công ty. Theo thông báo này thì bà Nguyễn Thị Đoan Phương chỉ "nhận làm visa đi XKLĐ tại Nhật với tư cách cá nhân làm môi giới, dịch vụ cho các học viên để hưởng tiền hoa hồng là giao dịch dân sự, không cấu thành tội kinh doanh trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Sau khi nhận được thông báo này, NLĐ bức xúc nên hôm qua (4.12) họ kéo đến công ty giăng băng rôn, yêu cầu gặp đại diện công ty để giải quyết. Dù có mặt ở công ty nhưng bà Phương cố tình lẩn tránh, không tiếp xúc với NLĐ. Chỉ đến khi Công an P.2, Q.Tân Bình có mặt thì bà Phương mới chịu cho 1 NLĐ vào nói chuyện. “Bà Phương nhất quyết không trả tiền và giấy tờ cho NLĐ, đồng thời thách NLĐ kiện ra tòa”, chị Nguyễn Thị Phượng (người được vào) nói.
Cũng trong ngày 4.12, hơn 20 NLĐ đã nộp đơn tố cáo đến Công an TP.HCM, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan chức năng khác để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Trong một diễn biến khác, hôm qua (4.12), đại tá Nguyễn Văn Thuyền, Trưởng công an H.Củ Chi, TP.HCM cho biết đã chuyển hồ sơ cho Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM để tiếp tục điều tra về vụ 150 NLĐ tố cáo Công ty cổ phần Atlantic - THP (văn phòng đại diện tại 145 tỉnh lộ 8, KP.2, TT.Củ Chi, H.Củ Chi, TP.HCM) lừa XKLĐ. Như Thanh Niên đưa tin ngày 11.11, dù không có chức năng XKLĐ nhưng công ty này vẫn thu của NLĐ khoảng 10 tỉ đồng. NLĐ chờ mãi vẫn không thấy được gọi đi Nhật nên quay lại hỏi thì mới biết mình bị lừa. Sau đó văn phòng đại diện công ty cũng đóng cửa.
Bình luận (0)