|
>> Có quyền nhân thân, không có quyền thừa kế từ cha
>> Tranh cãi việc lấy tinh trùng người quá cố để sinh con
50 năm sau vẫn sử dụng được
Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ (BS) Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn (Hà Nội), người thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm cho chị Hoàng Thị Kim Dung (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), mẹ của hai cháu Đức và Hải, kể:
“Hôm đó ngày 20.3.2010, tôi nhận điện thoại của chị Dung đề nghị đến lấy tinh trùng từ người chồng của chị tử vong vì bị tai nạn giao thông. Tôi đồng ý, và có mặt tại BV Thanh Trì (Hà Nội) - nơi bảo quản thi hài chồng chị D. Lúc tôi đến, chồng chị đã tử vong khoảng 6 giờ đồng hồ. Chúng tôi nhanh chóng rạch lấy túi tinh hoàn bên phải cho vào hộp bảo quản, đem về lưu giữ trong bình ni tơ lỏng ở điều kiện âm 196 độ C. Sau hơn 3 năm, tinh trùng được lấy ra vẫn đảm bảo và cho phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với noãn (trứng) của người vợ”.
BS Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cho biết: “Các chuyên gia về hiếm muộn vô sinh trên thế giới đã ghi nhận, một người đàn ông sau khi tử vong 36 giờ đồng hồ thì tinh trùng của họ vẫn còn sống, vẫn còn di động - nghĩa là còn đem thụ tinh được. Còn tinh trùng của một người bình thường khi nó “thoát ly” ra khỏi cơ thể chúng ta, nó có thể sống độc lập trong môi trường bình thường vài ngày. Còn với tinh trùng đem trữ lạnh bằng dụng cụ chuyên dụng của cơ sở điều trị hiếm muộn, vô sinh thì có thể để được rất lâu, 10 năm, 20 năm, 50 năm sau vẫn đem ra sử dụng được. Hiện chưa có nghiên cứu nào xác định với mốc thời gian bao lâu thì tinh trùng được trữ lạnh sẽ không còn tác dụng thụ tinh”.
“Còn rất nhiều điều để nói”
Nhìn ở góc độ pháp lý, BS Tường cho rằng: “Còn rất nhiều điều để nói vì hiện nay chúng ta chưa có luật, cũng như trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn vô sinh cũng không có quy định nào về trường hợp người thân có quyền lấy và sử dụng tinh trùng của người chết, khi không có sự đồng ý của họ trước đó. Còn nếu chiếu theo luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người thì cũng không được, vì theo luật cũng cần phải có sự đồng ý của người bệnh, người chết về việc họ cho phép lấy mô, bộ phận cơ thể của họ”. Cũng theo BS Tường, lâu nay ở các BV có điều trị hiếm muộn vô sinh có quy định là với những trường hợp phôi (kết hợp từ tinh trùng và trứng) của một cặp vợ chồng sau khi dùng điều trị hiếm muộn còn dư ra, nếu vợ chồng đó ly dị, hoặc một trong hai người mất đi thì BV sẽ hủy.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cũng cho rằng: “Trong trường hợp người vợ sở hữu tinh trùng của người chồng, dù không có ý kiến của người chồng (do bị tử vong) thì vẫn được chấp nhận vì đó là quyền nhân thân. Tuy nhiên, với các trường hợp khác, việc hiến, lấy mô tạng từ người chết và chết não phải theo đúng luật quy định. Không cơ quan, tổ chức cá nhân nào được phép lấy khi người đó không có thẻ hoặc đơn tình nguyện hiến mô tạng của chính người hiến sau khi họ qua đời”.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), phân tích: "Người mẹ hoàn toàn có khả năng đăng ký khai sinh và ghi tên cha cho con là người chồng đã mất. Vì có những trường hợp người vợ đang mang thai thì người chồng lâm bệnh hay vì một lý do nào đó mà qua đời thì việc khai sinh ghi tên cha cho con vẫn được pháp luật ghi nhận. Trong trường hợp này người mẹ còn có xác nhận của BV đang lưu giữ phôi, giấy chứng tử của người chồng, giấy đăng ký kết hôn...".
Gây tranh cãi ở nhiều nước Thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng của người chồng quá cố là chủ đề tranh luận nóng bỏng ở nhiều quốc gia. Về mặt luật pháp, hiện một số nước như Anh, Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Tây Ban Nha cho phép thực hiện. Trong khi đó, những nước như Đan Mạch, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Ý thì cấm, theo báo L’Express. Những quốc gia “bật đèn xanh” đều ra nhiều quy định nghiêm ngặt để quản lý việc thực hiện thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng của người đã qua đời. Tại Mỹ, đây là một hoạt động khá phổ biến. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở nước này về lưu giữ tinh trùng sau khi qua đời là một nạn nhân tai nạn giao thông ở thành phố Los Angeles vào năm 1978. Hiện rất nhiều binh sĩ Mỹ trước khi lên đường sang làm nhiệm vụ ở Iraq hay Afghanistan đã “gửi gắm” tinh dịch ở các ngân hàng tinh trùng. Năm 2003, Ngân hàng tinh trùng California Crybank còn thông báo giảm giá 30% chi phí lưu trữ cho quá phụ của các binh sĩ tử trận. Tại Anh, từ năm 1990, luật cho phép dùng tinh trùng của người cha quá cố với điều kiện người này viết di thư yêu cầu. Nếu gia đình nộp đơn đề nghị trong vòng 42 ngày sau khi cha qua đời, người con sau đó được mang họ của cha nhưng không được công nhận là con “hợp pháp” (tức không được hưởng những quyền lợi về thừa kế, bảo hiểm...). Sau khi chính thức cấm từ năm 1994, việc thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng của người đã khuất là đề tài gây nhiều tranh luận tại Pháp. Giải thích về việc duy trì luật cấm trong phiên họp hồi đầu năm 2011, Bộ trưởng Y tế nước này khi ấy Xavier Bertrand nhận định: “Do hoàn cảnh mà mồ côi cha khi vừa chào đời khác với việc bị định sẵn mình là người mồ côi”. Lan Chi |
Thanh Tùng - Liên Châu - Lê Nga
>> 2 bé trai ra đời nhờ tinh trùng của người bố đã mất
>> Đẻ con từ tinh trùng của người chồng đã chết
Bình luận (0)