Mô hình giáo dục hợp tác công tư đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 25.1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cùng đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non One Sky (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), nơi đang nuôi dạy con em công nhân nghèo.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc quốc gia, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non One Sky, cho biết trung tâm được thành lập năm 2017, gồm 17 lớp, công suất 262 học sinh. Hiện trung tâm có 300 học sinh, giáo viên và đây là mô hình hợp tác công tư đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
"Với cơ sở vật chất, tỷ lệ giáo viên trẻ, giáo trình và phương pháp dạy học thì đây là trường dành riêng cho trẻ em nghèo. Tiêu chuẩn vào trường là con công nhân khu công nghiệp, các em chưa có nhà ở, thu nhập bình quân dưới 4 triệu đồng/tháng. Sau đó bốc thăm vào học. Trong 7 năm qua, trung tâm đã nuôi dưỡng hơn 850 em từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi. Trẻ ở đây được giữ từ 6 giờ 30 sáng đến 18 giờ chiều. Học phí 800.000 đồng/em. Và đến nay đã 279 em đã hoàn thành bậc học mầm non vào lớp 1", bà Hiền thông tin.
Theo bà Hiền, với giá thị trường thì học ở đây không dưới 8-10 triệu đồng/tháng/trẻ, nhưng ở đây chỉ 800.000 đồng/tháng/trẻ. Như vậy đã giảm được gánh nặng chi phí, tạo môi trường học tốt cho học sinh. Ước tính mỗi năm tiết kiệm 2,5 tỉ đồng kinh phí nhà nước.
Theo bà Hiền, trung tâm còn là nơi học tập cộng đồng dành cho giáo viên mầm non, cán bộ quản lý và là nơi tập huấn dành cho bố mẹ trẻ là công nhân khu công nghiệp về kỹ năng làm bố mẹ.
Bà Hiền cũng cho biết thêm về kế hoạch chiến lược giai đoạn 2024-2028. Trong đó nâng cao chất lượng, chương trình tập huấn TOT One Sky dành cho cơ sở mầm non độc lập. Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp ở 18 tỉnh có khu công nghiệp lớn trên toàn quốc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đã biểu dương những kết quả mà trung tâm đã đạt được trong thời gian qua. "Trung tâm đã quan tâm đến con của công nhân KCN có hoàn cảnh khó khăn. Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để có thêm mô hình chăm sóc cho con công nhân, với mong muốn cho trẻ nhỏ được phát triển toàn diện", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Mong muốn các công nhân nghèo đều được cho con đi học
Chị Vũ Thị Trang (quê Bắc Ninh, công nhân tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng) có 2 con học tại One Sky, cho biết sau dịch Covid-19 và làn sóng suy giảm kinh tế, đời sống công nhân rất khó khăn. 2 con của chị Trang may mắn lọt vào danh sách được đi học ở One Sky, đây có lẽ là điều khiến gia đình chị vui mừng khi tổng thu nhập của 2 vợ chồng công nhân không đủ để trang trải việc học hành của 2 con. Vì vậy, khi 2 con chị Trang đến tuổi phải đi học, gia đình chị Trang đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều vì lo không nổi học phí sẽ cho 1 cháu ở nhà.
"Đồng lương hai vợ chồng khó kham nổi mức học phí từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng/cháu. Nên vợ chồng tôi đành phải cân nhắc xem nên cho cháu nào đi học, cháu còn lại đành phải nghỉ. May mắn cả 2 cháu đều được nhận vào One Sky, không phải chịu cảnh thất học", chị Trang xúc động.
Tại buổi gặp mặt Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã có nhiều công nhân khác bày tỏ mong muốn lập thêm nhiều mô hình như Trung tâm One Sky để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho công nhân, nhưng vẫn đảm bảo môi trường học tập chất lượng cho con cái trong những năm đầu đời.
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận định đây là mô hình cả nước chưa nơi nào có vì vậy cần được nhân rộng.
"Chính phủ đã có đề án phát triển toàn diện trẻ thơ từ 0 đến 8 tuổi. Tuy nhiên những mô hình hay và phù hợp với thích ứng thì chưa có nhiều, mặc dù Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm. Có nhiều cách làm khác nhau, nhưng đặc biệt vấn đề hợp tác công tư để có mô hình hay giúp con công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất, giờ giấc đi làm không ổn định, thu nhập còn khó khăn", Thứ trưởng nhận định.
Cũng tại chương trình, Thứ trưởng Ngô Thị Minh thay mặt Bộ GD-ĐT trao tặng 2 tivi cho Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non One Sky ở TP.Đà Nẵng. Đồng thời trao tặng hơn 40 suất quà tết cho gia đình các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bình luận (0)