Đó là chia sẻ, gợi ý của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 27.7, tại Hà Nội.
Theo Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với thịt lợn, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh với hơn 19.000 tấn, trị giá trên 18,4 triệu USD, tăng 103,0% về lượng và tăng 117,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu thịt lợn sữa đông lạnh lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu tăng 13,0% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường Papua New Guinea, Lào, Malaysia. Đối với lợn sống, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 21.560 con nhưng 6 tháng đầu năm nay chỉ xuất được 6.833 con.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu so sánh với nhiều ngành hàng nông nghiệp khác thì chăn nuôi đang "sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu". Cả năm 2022, xuất khẩu ngành chăn nuôi chỉ đạt 409 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn chiếm tỷ trọng rất thấp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, đối với ngành chăn nuôi lợn hiện nay không thể quanh quẩn ở thị trường với 98 triệu người tiêu dùng trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp chăn nuôi phải là đầu tàu thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn, chứ lợn nuôi trong các nông hộ thì không thể nào xuất khẩu được.
Chia sẻ về chuyến khảo sát tại một số doanh nghiệp chế biến sâu từ thịt lợn, giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với bán thịt lợn mảnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Để xuất khẩu được thì các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng sản phẩm nhằm tiêu thụ ở nhiều thị trường khác nhau, chứ thịt lợn hiện nay chỉ có luộc với kho tàu thì làm sao mà xuất khẩu được".
Phải độc lập, tự chủ sản xuất thức ăn chăn nuôi
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, để xuất khẩu được thịt lợn, một trong những yêu cầu hiện nay là phải độc lập, tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đây cũng là mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho Bộ NN-PTNT.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 800.000 ha có thể chuyển sang trồng ngô, đậu tương... để có nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Bộ NN-PTNT đã ký kết với một số doanh nghiệp triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Tây nguyên.
Còn đối với vùng chăn nuôi đạt chuẩn an toàn sinh học để có sản phẩm thịt xuất khẩu theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các địa phương xây dựng tại Đông Nam bộ, vì đây là vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
"Chúng ta "ăn đong" nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, trong khi thức ăn chăn nuôi chiếm tới 65% chi phí giá thành sản xuất thì sản phẩm chăn nuôi của chúng ta làm sao mà xuất khẩu, cạnh tranh được với thế giới; phải giải quyết được tình trạng này", ông Tiến nói.
Theo Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 41.480 tấn thịt lợn, giảm 8% về lượng so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam nhập khẩu thịt lợn nhiều nhất từ Nga khi 5 tháng đầu năm nay đạt 20.700 tấn, trị giá hơn 46,7 triệu USD. Nhập khẩu thịt lợn từ Brazil đạt hơn 8.000 tấn, trị giá 17,7 triệu USD; từ Hà Lan hơn 6.600 tấn, trị giá hơn 7,8 triệu USD; từ Đức gần 14.500 tấn, trị giá hơn 18,6 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam đang nhập khẩu thịt lợn từ Tây Ban Nha, Ba Lan, Canada.
Bình luận (0)