Thứ trưởng Bộ Tài chính: 'Chúng ta phải dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư '

15/11/2022 15:01 GMT+7

Trước 2 câu hỏi của Báo Thanh Niên , ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cung cấp thông tin và đưa ra quan điểm quan trọng trong bối cảnh thị trường trái phiếu và chứng khoán khoán đang sụt giảm rất mạnh trong thời gian vừa qua.

Tại buổi họp Giao ban báo chí hàng tuần sáng 15.11 của Bộ TT-TT, Báo Thanh Niên đặt câu hỏi về giải pháp của Bộ Tài chính trước khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

TN

Ông Chi thẳng thắn cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính là khi thị trường TPDN riêng lẻ sụt giảm thì với trách nhiệm của cơ quan quản lý “chúng tôi cũng không vui vẻ gì”. Nguyên nhân sụt giảm thì phải đánh giá rất kỹ, nhưng theo ông Chi quan trọng nhất là niềm tin của thị trường.

“Chúng ta ngồi đây, khi mất niềm tin thì không bao giờ xuống tiền mua trái phiếu, mất niềm tin đối với ngân hàng thì không gửi tiền mà tạm thời cất đi. Anh đưa cho vợ, cho bạn, chị cũng thế. Ta cứ cất tiền mặt vì mất niềm tin rồi thì còn đâu nữa. Hiện nay ta đang mất niềm tin, tất cả cái khác tôi chưa phân tích”, ông Chi nói.

Về giải pháp, theo ông Chi niềm tin phải khắc phục nhưng không thể một sớm một chiều rằng “hôm nay ta họp thì niềm tin trở lại”. “Nếu không có giải pháp cụ thể, kể cả truyền thông thì không lấy lại được. Dù Bộ Tài chính, Chính phủ có đưa giải pháp nào đi chăng nữa mà niềm tin không có thì không thể phục hồi được, ta phải cùng nhau dần dần lấy lại niềm tin”, ông Chi đề nghị.

Lãnh đạo Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra ví dụ để lấy lại niềm tin như doanh nghiệp phát hành mà không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, không đàm phán được với trái chủ thì sẽ bị xử lý bằng pháp luật. Cụ thể, mức nhẹ là tòa án xử trả lại tài sản cho nhà đầu tư, nặng hơn là vấn hình sự… để đảm bảo quyền lợi cho trái chủ.

“Đó là một cách lấy lại niềm tin, bên cạnh rất nhiều giải pháp khác nhau mà chúng tôi đang kiến nghị với Thủ tướng”, ông Chi thông tin.

Chúng ta hãy tôn trọng "vẻ đẹp" của thị trường

Báo Thanh Niên cũng đặt câu hỏi về hệ lụy vô cùng rủi ro, nguy hiểm khi khủng hoảng của thị trường trái phiếu lan sang thị trường tài chính, gây rủi ro đổ vỡ cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Chi cho rằng không ít quan điểm nhận định thị trường tăng điểm là thành tích, còn khi thị trường giảm thì chính sách có thiếu sót.

“Nhưng có một câu nói kinh điển “thị trường luôn có vẻ đẹp của riêng nó”. Thị trường luôn tự điều tiết, trách nhiệm của Bộ Tài chính là giữ cho thị trường vận hành an toàn, minh bạch, giám sát quản lý thị trường kịp thời đầy đủ; phát hiện những sai phạm, xử lý nghiêm. Cơ quan quản lý dẫn dắt và phát triển thị trường, chứ không phải điều tiết tăng hay giảm. Tăng hay giảm là quyết định của nhà đầu tư”, ông Chi nói.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng dẫn chứng, hiện nay có gần 6 triệu tài khoản chứng khoán. Nếu 5 triệu nhà đầu tư đặt lệnh mua trần thì thị trường sẽ tăng, còn 5 triệu đặt sàn thì thị trường giảm. “Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, cứ để nó phản ánh quyết định của nhà đầu tư, của nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế có độ mở lớn. Tăng hay giảm là quyết định của nhà đầu tư. Chúng ta nên đồng tình với sự kinh điển vẻ đẹp của thị trường”, ông Chi cho biết và khẳng định Bộ Tài chính sẽ kiên quyết giữ trật tự, xử lý nghiêm thao túng, làm giá, thông tin thiếu minh bạch.

Không khuyến nghị nhà đầu tư mua hay bán, tuy nhiên lãnh đạo Bộ Tài chính cũng mong nhà đầu tư tin tưởng vào sự điều hành, quản lý của Nhà nước. “Chúng tôi rất chia sẻ khi thị trường giảm, những nhà đầu tư mua giá cao chịu thua lỗ. Nếu nhà đầu tư tính toán chiến lược dài hạn hãy kiên định, lúc nào thị trường lên thì thu lại vốn và lãi, còn lo sợ, hoảng loạn tâm lý bán sẽ thua lỗ. Đầu tư ngắn hạn thì chấp nhận cắt lỗ. Và trong tất cả trao đổi phát biểu của nhà đầu tư tôi chưa bao giờ nói nên như thế nào, tôi tôn trọng hoàn toàn quyết định nhà đầu tư trên thị trường”, ông Chi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.