Thủ tục hành chính vẫn là 'cỗ xe ì ạch', Chính phủ sẽ ưu tiên gì?

06/06/2024 11:53 GMT+7

Chất vấn Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, đại biểu Trần Quang Minh hỏi Chính phủ sẽ ưu tiên tập trung gì thời gian tới, nhất là khi thủ tục hành chính vẫn là 'cỗ xe ì ạch' làm cản trở phát triển.

Chất vấn Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sáng 6.6, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) nêu, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được kết quả quan trọng, tháo gỡ rào cản, tạo môi trường động lực phát triển.

Thủ tục hành chính vẫn là 'cỗ xe ì ạch', Chính phủ sẽ ưu tiên gì?- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình)

GIA HÂN

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, thủ tục hành chính vẫn là "cỗ xe ì ạch" làm cản trở phát triển. Xin Phó Thủ tướng cho biết, điểm nhấn Chính phủ đã làm được thời gian qua cũng như những thứ tự ưu tiên cần tập trung thời gian tới?

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, theo báo cáo, trong điều hành kinh tế, Chính phủ ban hành 45 nghị quyết, riêng Thủ tướng ban hành 35 chỉ thị. Đây là quyết tâm, nỗ lực rất lớn, rất đáng ghi nhận. 

"Việc tổ chức triển khai thực thi các giải pháp kịp thời, hiệu quả là yêu cấu cấp bách. Xin hỏi thực thi trong thực tế thách thức đến đâu, làm thế nào để khắc phục", ông Hiếu hỏi.

Dù không phải là câu hỏi trong nhóm chất vấn, song Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vẫn trả lời các câu hỏi của đại biểu. Theo Phó thủ tướng, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách, kiện toàn lại cơ quan quản lý, giảm đi phần lớn cơ quan tổng cục để giảm cơ quan trung gian, từ đây cắt giảm thủ tục hành chính. 

Các hội nghị, hội họp được triển khai theo hình thức trực tuyến. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở lưu trữ quốc gia, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, ngoài ra cải cách bộ máy và con người.

Ông cũng khẳng định, Thủ tướng đã yêu cầu rất rõ phải cắt giảm bằng được các thủ tục hành chính.

Với câu hỏi đại biểu Phan Đức Hiếu, Phó thủ tướng cho biết đây là "câu hỏi hay" vì đại biểu quan tâm đến hoạt động của Chính phủ. Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp. Nhằm chống đùn đẩy nên các văn bản pháp luật phải rõ ràng, quy định cụ thể trách nhiệm, khi đó các vướng mắc sẽ sớm được giải quyết.

"Hiện nhiều trình tự thủ tục Chính phủ đang cắt giảm. Ngoài ra cần phân quyền cho địa phương", Phó thủ tướng nêu.

Thủ tục hành chính vẫn là 'cỗ xe ì ạch', Chính phủ sẽ ưu tiên gì?- Ảnh 2.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà

GIA HÂN

Áp lực lạm phát khi tăng lương rất lớn

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) băn khoăn áp lực lạm phát trong điều hành rất lớn, nhất là thời điểm tăng lương 1.7 sắp tới. Bà đề nghị Phó thủ tướng cho biết công tác điều hành giá thời gian tới để kiểm soát lạm phát.

Theo Phó thủ tướng, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh sắp tăng lương, biến động chuỗi cung ứng là vấn đề cần đặt ra. Lạm phát liên quan đến nhiều vấn đề thiết yếu. Việt Nam là nền kinh tế mở nên nhập khá nhiều nguồn vật tư nguyên liệu phụ thuộc vào thế giới.

Tới đây, việc thực hiện gói kích cầu tăng lương sẽ biến động ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Chính phủ thời gian qua đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai rất quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo cung ứng lưu thông và phân phối. Nhất là các mặt hàng kiểm soát về giá, có lộ trình tăng phù hợp.

Cạnh đó, theo Phó thủ tướng, chính sách tài khóa phải quan hệ chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Như biến động giá vàng vừa rồi cũng là giải pháp để kiểm soát ổn định đồng tiền. Chính phủ cũng thúc đẩy đưa ra chính sách hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, du lịch mua sắm, tăng đầu tư khu vực công, cơ sở hạ tầng thiết yếu, đảm bảo sản xuất và kinh tế phát triển. 

"Với điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát, hoàn toàn có thể điều chỉnh được giá cả. Việt Nam là quốc gia có lợi thế về gói giá cả lương thực thiết yếu", Phó thủ tướng cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.