Kinh tế là một trụ cột trong hoạt động ngoại giao
Ngày 21.12, phát biểu tại phiên toàn thể Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định kết quả của ngoại giao kinh tế từ Đại hội XIII có "6 cái được".
Thứ nhất, tiếp tục thay đổi mới tư duy, nhận thức về ngoại giao kinh tế; nắm chắc tình hình thế giới, khu vực để tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách ngoại giao kinh tế.
"Kinh tế là một trụ cột quan trọng trong triển khai các hoạt động ngoại giao. Khi tình hình thay đổi thì chính sách, tổ chức, tư duy cũng phải thay đổi", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ngành ngoại giao đã nắm tốt tình hình kinh tế các nước, khu vực, thế giới, từ đó có những đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy mạnh mẽ nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Nguồn lực bên trong gồm con người, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, sức mạnh đại đoàn kết. Nguồn lực bên ngoài là thu hút về nguồn vốn, công nghệ, cách quản trị hiện đại, nhân lực... Từ đây, Thủ tướng cho rằng cán bộ ngoại giao, đối ngoại giữ vai trò nòng cốt trong thu hút nguồn lực bên ngoài.
Thủ tướng chia sẻ câu chuyện tiếp Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỉ USD. Tại đây, Thủ tướng đã đề nghị NVIDIA xác định tầm nhìn chiến lược, lâu dài trong hợp tác, đồng hành, hỗ trợ Việt Nam xây dựng, thực hiện chiến lược bán dẫn quốc gia, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn ở cả 3 công đoạn là nghiên cứu, thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chip và đóng gói, kiểm thử.
Thứ ba, góp phần giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như: đại dịch, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng...
Thứ tư, góp phần quan trọng tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác phát triển để huy động nguồn lực xây dựng đất nước. Thủ tướng nêu lại một số chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình... đã tạo nên độ tin cậy chính trị, tình cảm sâu sắc hơn, kinh tế hiệu quả hơn, giao lưu nhân dân được mở rộng, hợp tác nhiều lĩnh vực toàn diện hơn.
Thứ năm, thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc. Kết hợp giữa văn hóa với phát triển nền kinh tế. Việc Việt Nam được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới, nhiều di sản được thế giới công nhận đã tạo ra uy tín của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh về vai trò của ngoại giao văn hóa giúp thúc đẩy các trụ cột ngoại giao khác, trong đó có ngoại giao kinh tế.
Thứ sáu, thúc đẩy ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân với người dân, giữa các địa phương, "lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ". Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam hiện đã mở visa điện tử cho tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Về hợp tác giữa các địa phương, Thủ tướng dẫn chứng sự hợp tác giữa các tỉnh, thành Việt Nam và Nhật Bản, khi chỉ trong năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước, đã tổ chức hơn 500 sự kiện.
Thủ tướng chia sẻ, khi mới Đổi mới, quy mô nền kinh tế chỉ 4 tỉ USD nhưng đến nay nước ta đã đứng thứ 40 (trên 400 tỉ USD), hạ tầng xã hội phát triển. "Việt Nam là hình mẫu của hàn gắn và khắc phục hậu quả chiến tranh, vươn lên từ khó khăn", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Tuy nhiên Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô từ nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn. Cho nên vừa phải độc lập, tự chủ nhưng vẫn phải tích cực, chủ động hội nhập và không thể hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh của người dân, môi trường... để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
"Dự các sự kiện quốc tế, lãnh đạo các nước đều bày tỏ ấn tượng về Việt Nam khi có đường lối ngoại giao khéo léo, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn vẫn kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng", Thủ tướng chia sẻ.
5 điểm hạn chế của ngoại giao kinh tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của ngành ngoại giao vào thành tích chung của đất nước trong 3 năm qua, tuy nhiên cũng không được thỏa mãn với những gì đã đạt được.
Thủ tướng đã chỉ ra 5 điểm còn hạn chế trong ngoại giao kinh tế như công tác thu thập tình hình có nơi còn chưa kịp thời, phản ứng chính sách còn bị động. Thực hiện ngoại giao kinh tế vẫn chưa thành hệ thống, còn manh mún, chia cắt, chưa có trọng tâm, trọng điểm.
"Ngoại giao kinh tế cần như ngoại giao vắc xin, phải thay đổi được trạng thái, thay đổi theo tình hình, đột phá về Ngoại giao kinh tế có nhưng chưa cao", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho rằng, xây dựng thể chế và cơ chế chính sách hợp tác giữa nước ta với các nước cần chặt chẽ và phù hợp với tình hình. Đồng thời, việc ký kết các thỏa thuận về kinh tế nhiều nhưng thực hiện rất khiêm tốn, cần có kế hoạch thực hiện. Nhiều bên cho rằng, thủ tục của nước ta rườm rà mà chưa xoay chuyển được.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần khi triển khai ngoại giao kinh tế phải "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, hài hòa về lợi ích, rủi ro thì chia sẻ". Tham mưu, phản ứng chính sách phải nhanh, kịp thời, chính xác hơn bởi tình hình thế giới biến chuyển rất nhanh.
"Các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, hiệu quả nhưng phải chân thành, tôn trọng, tin cậy thể hiện tinh thần ngoại giao cây tre", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu bám sát yêu cầu trong nước, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. "Phải làm cái gì người ta cần chứ không phải làm cái gì ta có", Thủ tướng cho biết
Đồng thời, có thể thu thập được rất nhiều thông tin nhưng thông tin mà người dân, doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước cần là cái gì. Ngoài ra, phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết về luật pháp, có tâm, có tầm.
Bình luận (0)