Các doanh nghiệp trình bày về định hướng hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong 3 lĩnh vực AI, bán dẫn và công nghiệp ô tô; đồng thời lắng nghe Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu về tầm nhìn, định hướng và các giải pháp thúc đẩy phát triển, hợp tác, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực này, cũng như các nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường hòa bình, ổn định, phát triển của Việt Nam.
Đại diện các tập đoàn lớn của thế giới như Google, Siemens, Qualcomn, Ericsson… đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam, tầm nhìn của Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh, bền vững; cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, AI, hạ tầng chiến lược…
Đại diện các tập đoàn lớn của thế giới đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam, tầm nhìn của Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh, bền vững
NHẬT BẮC
Về tình hình và một số kết quả đạt được của Việt Nam trong phát triển AI, công nghiệp ô tô, chip bán dẫn, thông tin tại cuộc tọa đàm cho biết, sau 2 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, Việt Nam đã tăng 7 bậc về chỉ số sẵn sàng AI, lên thứ 55/181 quốc gia trên thế giới.
Việt Nam hiện có khoảng 50 cơ sở giáo dục đào tạo về AI. Việt Nam cũng tạo dựng được môi trường thuận lợi để nhiều doanh nghiệp AI trên thế giới đến phát triển tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: y tế, truyền thông, giáo dục, an ninh mạng, tài chính, nhà máy thông minh, đô thị thông minh, công nghệ bán dẫn…
Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu về tầm nhìn, định hướng và các giải pháp thúc đẩy phát triển, hợp tác, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực
NHẬT BẮC
Về công nghiệp ô tô, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có lộ trình chuyển đổi các phương tiện giao thông sang sử dụng điện; khuyến khích các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, sạch.
Về lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam xác định rõ tầm nhìn và quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và xây dựng hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Các đại biểu đánh giá Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn trong ngành công nghiệp bán dẫn. Nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Amkor, Qualcomm, Infineon, Marvell, Hana Micron…
3 bí quyết thành công của Việt Nam
Sau phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông tin về những thành tựu cơ bản của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới và các yếu tố nền tảng, mục tiêu, định hướng lớn trong phát triển đất nước.
Thủ tướng cho biết Việt Nam là nước chịu nhiều hy sinh, đau khổ, mất mát nhất từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 vì liên tục trải qua các cuộc chiến tranh trong hơn 30 năm, sau đó tiếp tục bị bao vây, cấm vận.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam vẫn bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ một nước chậm phát triển trở thành nước đang phát triển; quy mô nền kinh tế tăng từ khoảng 4 tỉ USD lên khoảng 430 tỉ USD năm 2023; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân (thu nhập bình quân đầu người tăng từ khoảng 100 USD lên khoảng 4.300 USD năm 2023). Dân số Việt Nam cũng tăng lên từ khoảng 50 triệu người những năm 1980 lên 100 triệu người như hiện nay.
Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, Việt Nam nay có quan hệ với 193 quốc gia trên thế giới; có quan hệ với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và 7 thành viên G7, 16 thành viên G20; là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực và là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán.
Trả lời câu hỏi của một đại biểu về bí quyết thành công của Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ 3 nội dung lớn.
Thứ nhất, Việt Nam luôn kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và bối cảnh thế giới.
Thứ hai, Việt Nam phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực (gồm đào tạo nhân lực, công nghệ, quản lý, tài chính…) là quan trọng và đột phá.
Thứ ba, có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược
Về chủ đề của cuộc tọa đàm, Thủ tướng cho biết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Việt Nam đã xác định rõ: "…huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".
Theo Thủ tướng, AI, bán dẫn và công nghiệp ô tô là những ngành quan trọng, vừa có những động lực phát triển cũ cần được làm mới, vừa có những động lực mới cho sự phát triển. Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển trong lĩnh vực AI; xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia kết nối với các trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.
Về công nghệ ô tô, Việt Nam tập trung phát triển ô tô điện, sử dụng nguyên liệu sạch, phát thải carbon thấp và đầu tư cho giao thông xanh.
Về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định đây là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói; hiện đang tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp.
Thủ tướng cũng cho biết để phát triển các lĩnh vực trên, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm: hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân.
Năm 2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm được cân đối lớn; thu hút gần 37 tỉ USD vốn FDI đăng ký và giải ngân khoảng 23 tỉ USD vốn FDI.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp tiếp tục hợp tác, đầu tư hiệu quả, bền vững tại Việt Nam; khẳng định Việt Nam luôn đồng hành, hợp tác với nhà đầu tư trên nguyên tắc lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời khi có rủi ro thì cùng chia sẻ.
Bình luận (0)