Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động livestream bán hàng

Mai Phương
Mai Phương
07/06/2024 11:05 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 56 yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng.

Công điện số 56 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Trong đó yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng.

Công điện nêu rõ: Những năm qua, thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động livestream bán hàng- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động livestream bán hàng

ĐÀO NGỌC THẠCH

Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm hiện hành để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước ngày 15.6 nhằm tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm về lưu trữ và cung cấp thông tin đối với các chủ thể hoạt động thương mại điện tử.

Đại biểu Quốc hội thắc mắc: 'Những buổi livestream bán hàng trăm tỉ, Bộ có biết không?'

Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không kê khai, nộp thuế theo quy định. Tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử; kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử...

Song song đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thế; tối ưu hóa quy trình thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định...

Riêng Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để thúc đẩy tiến độ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng… phục vụ định danh, xác thực cá nhân, tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử; tăng cường giám sát các giao dịch trực tuyến, chống gian lận thương mại...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.