Thủ tướng chủ trì họp tiểu ban kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng XIV

26/03/2024 20:40 GMT+7

Chiều 26.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng chủ trì phiên họp thứ hai của tiểu ban.

Phiên họp tập trung thảo luận về đề cương Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2026 - 2030.

Thủ tướng chủ trì họp tiểu ban kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng XIV- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp

VGP

Dự thảo đề cương báo cáo gồm 3 phần: đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 và tổ chức thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của tiểu ban là xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2026 - 2030 trình Đại hội XIV của Đảng. Mục tiêu đạt yêu cầu "Đảng chấp nhận, nhân dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao", tạo được khí thế phấn khởi, huy động được mọi nguồn lực, sức mạnh để đưa đất nước ta tiếp tục tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng đánh giá, dự thảo đề cương báo cáo có kết cấu hợp lý, thể hiện rõ tinh thần đổi mới và nêu khá nổi bật những vấn đề cốt lõi; cơ bản nêu được những nét mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Chiến lược 10 năm.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu báo cáo cần đánh giá khách quan, trung thực, sát thực tiễn, "không tô hồng nhưng cũng không bôi đen", chỉ rõ những khó khăn, thuận lợi, những việc đã làm được, những việc chưa làm được.

Mục tiêu không thay đổi nhưng cần bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp đột phá nào để tạo ra các động lực mới, xung lực mới cho giai đoạn 2026 - 2030, nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Trong đó, cần tìm ra những giải pháp đột phá, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.

Cụ thể, cần phân tích rõ thêm những vấn đề trong giai đoạn 2021 - 2026 qua những số liệu "biết nói", như vấn đề đại dịch Covid-19 và việc khắc phục hậu quả đại dịch; tình hình thế giới phức tạp với nhiều xung đột, chiến tranh ảnh hưởng đến trong nước.

Ngoài ra, cần phân tích rõ thêm kết quả trong phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống cao tốc; việc chuẩn bị nguồn để cải cách tiền lương trong điều kiện khó khăn (đến nay đã trích lập được hơn 600.000 tỉ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026)...

Về mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030, phát triển kinh tế - xã hội đất nước đòi hỏi phải có tư duy phát triển mới, quan điểm, giải pháp đột phá về tăng cường phân cấp phân quyền, giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược hiệu quả hơn...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.