Tập đoàn Adani là doanh nghiệp Ấn Độ đầu tiên Thủ tướng gặp trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ với lịch trình hoạt động dày đặc trong 2 ngày.
Tại cuộc gặp, lãnh đạo Tập đoàn Adani gửi lời chia buồn trước việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Ông Gautam Adani bày tỏ ngưỡng mộ những đóng góp, di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Ông Gautam Adani cho biết đang đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng, tổng vốn dự kiến trên 2 tỉ USD, với mong muốn tạo hệ sinh thái đầy đủ về logistics tại Đà Nẵng.
Cạnh đó, Tập đoàn Adani mong muốn được triển khai hoạt động đầu tư năng lượng tại Bình Thuận với Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, tổng vốn đầu tư dự kiến 2,8 tỉ USD.
Tập đoàn này cũng có dự định tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực hàng không, logistics, như xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai. Đồng thời, mong muốn Chính phủ chỉ đạo, tạo điều kiện và nêu một số đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Chia sẻ trước các đề xuất của đại diện Tập đoàn Adani, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cảng Liên Chiểu đủ điều kiện triển khai. Song, do thay đổi chủ trương đầu tư sang đầu tư tổng thể (toàn bộ 8 cảng tại cảng Liên Chiểu), nên thủ tục đầu tư đang được điều chỉnh và thẩm định lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại nguyên tắc đầu tư tổng thể và đề nghị Tập đoàn Adani đầu tư hạ tầng cả 8 cảng tại cảng Liên Chiểu với 100% vốn nước ngoài theo luật, nhưng khai thác logistics phải theo tỷ lệ vốn quy định với doanh nghiệp nước ngoài (49%).
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị trong tháng 8 phải dứt điểm thủ tục đầu tư và gợi ý có thể nghiên cứu làm ngay Trung tâm thương mại tự do tại cảng Liên Chiểu.
Trao đổi thêm với ông Adani, Thủ tướng cho biết, sân bay Long Thành đang triển khai giai đoạn 1 dự kiến khánh thành vào năm 2026, hiện đang nghiên cứu làm luôn giai đoạn 2, Tập đoàn Adani có thể tham gia đầu tư các hạng mục giai đoạn 2 như đường băng.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, sân bay Chu Lai trước đây đã định giao cho một nhà đầu tư tư nhân song chưa triển khai, nên rất hoan nghênh nếu Sovico hợp tác đầu tư cùng Tập đoàn Adani. Dự án Cảng hàng không quốc tế Chu Lai có diện tích 1.200 ha, không phải giải phóng mặt bằng, có 2 đường băng lên xuống.
Thủ tướng cho biết, về lâu dài có định hướng dời nhà ga quốc tế từ Đà Nẵng về Chu Lai, sân bay Đà Nẵng chỉ phát triển thị trường nội địa.
Về kết nối, khoảng cách từ Chu Lai đi Đà Nẵng chỉ 60 km, rất thuận tiện đi lại. Chu Lai có thể là trung tâm trung chuyển hàng không, trong đó riêng thị trường Trung Quốc và Ấn Độ lượng hành khách đã rất lớn. Thủ tướng nhấn mạnh vị trí chiến lược của sân bay Chu Lai và đề nghị "đã nói phải làm và làm thật, có lộ trình, rõ kết quả".
Về Nhà máy điện Vĩnh Tân 3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trước đó một nhà đầu tư đăng ký song không triển khai thực hiện. Ông đề nghị Tập đoàn Adani nếu có nhu cầu đầu tư, cần cung cấp đủ dữ liệu hồ sơ theo quy định.
Với 3 dự án đề xuất đầu tư là cảng Liên Chiểu, sân bay Chu Lai và Nhà máy điện Vĩnh Tân 3, nếu triển khai cũng có thể lên tới quy mô vốn 10 tỉ USD. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan là Bộ GTVT, Bộ Công thương, UBND tỉnh Đà Nẵng… trao đổi cụ thể các đề xuất của Tập đoàn Adani.
Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn Adani tăng cường chuyển giao công nghệ, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, tham gia vào chuỗi cung ứng, hệ sinh thái phát triển của Tập đoàn Adani.
Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực hạ tầng chiến lược.
Bình luận (0)