Theo báo cáo, việc chuyển đổi 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch Covid-19.
Về tiến độ, đến nay, thiết kế kỹ thuật, dự toán của 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đã cơ bản hoàn thành, giải phóng mặt bằng đã đạt trên 70% công việc.
Nếu tiếp tục triển khai theo hình thức PPP, những khó khăn về khả năng vay vốn ngân hàng của nhà đầu tư cũng như quy trình đấu thầu chọn nhà đầu tư nếu thuận lợi thì đến giữa năm 2021 mới có thể huy động được vốn vay và bắt đầu triển khai thi công, không thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.
“Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả”, Thủ tướng báo cáo tại phiên khai mạc.
|
Trước đó, Bộ GTVT lo ngại trường hợp xấu hơn, nếu nhà đầu tư không huy động được vốn sẽ phải chấm dứt hợp đồng và thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển đổi hình thức đầu tư, có thể đến năm 2022 mới bắt đầu triển khai thi công.
Chưa kể việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện… Tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc Bắc - Nam sau khi được điều chỉnh sang đầu tư công là khoảng 99.493 tỉ đồng, trong đó bao gồm 55.000 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Ngoài cao tốc, Chính phủ cũng đã đề xuất Quốc hội xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.
Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Bình luận (0)