Thủ tướng: Doanh nghiệp kêu thiếu vốn sao tiền dân gửi vào ngân hàng tăng?

14/03/2024 09:58 GMT+7

Thủ tướng đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng trong khi tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng dù lãi suất huy động giảm?

Sáng 14.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng: Doanh nghiệp kêu thiếu vốn sao tiền dân gửi vào ngân hàng tăng?- Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô

NHẬT BẮC

Đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống ngân hàng thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, mặc dù khó khăn nhưng chúng ta vẫn dành 560.000 tỉ đồng để phục vụ tăng lương. Các tổ chức tín dụng đã góp phần chia sẻ với doanh nghiệp để có đồng vốn lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế của ta vẫn khó khăn.

Bài toán đặt ra cho NHNN là điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn…

“Phải đánh giá lại toàn bộ tình hình có khó khăn gì? Lãi suất cho vay còn cao, nợ xấu có xu hướng tăng, do kiểm soát, chủ quan hay do các tổ chức tín dụng? Việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, phải cố gắng”, Thủ tướng nêu.

Nhắc lại Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu có hạn, Thủ tướng lưu ý phải tính toán sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho hệ thống và bản thân các tổ chức tín dụng.

Mặt khác, các chương trình tín dụng chưa hiệu quả như gói 120.000 tỉ đồng dù phát động 1 năm nay nhưng mới giải ngân được hơn 1%. Thủ tướng yêu cầu cần rút kinh nghiệm từ bài học gói 40.000 tỉ đồng phục hồi nền kinh tế trước đây ngân hàng cũng không giải ngân được. Trong khi đó, gói tín dụng cho vay lâm, thủy sản (15.000 tỉ đồng) lại cho vay rất nhanh, hiện đã giải ngân hết.

“Khuyến khích, khuyến mại nhưng có hàng loạt rào cản thì hiệu quả bằng không”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phải làm thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng 6 - 6,5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo tăng trưởng.

“Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng trong khi tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng dù lãi suất giảm? Huy động giảm lãi nhưng cho vay sao chưa giảm được? Do thận trọng, cơ chế hay cục bộ, lo cho mình mà chưa lo cho người khác?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Theo NHNN, đến nay lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện còn cao.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu hội nghị thảo luận làm rõ các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? Phải cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm bớt các điều kiện cho vay; đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...? Cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như NHNN đã giao ngay từ đầu năm?

Làm thế nào để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển đất nước?

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Chính phủ, NHNN, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp? Cần có những công cụ gì? Chẳng hạn như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa? Điều này cần suy nghĩ thêm. Dân tộc ta vốn có truyền thống càng khó khăn, càng đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn.

Tinh thần là đánh giá khách quan, không tô hồng, không bôi đen, nhưng phải tạo khí thế, lòng tin đối với doanh nghiệp và người dân, giữ đà tăng trưởng vì đang có đà, khí thế, xu thế, phong trào.

Thủ tướng: Doanh nghiệp kêu thiếu vốn sao tiền dân gửi vào ngân hàng tăng?- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

NHẬT BẮC

Thủ tướng cũng đặt vấn đề cần suy nghĩ các giải pháp tăng cường hiệu quả hệ thống giám sát của ngân hàng; phải có các giải pháp gì để giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng, tích cực xử lý nợ xấu; đưa tiền ra phải đúng, trúng trọng tâm.

"Hiện dư địa, không gian còn, có thể làm tốt hơn nữa mà tại sao chưa làm được. Đảng, Nhà nước, Chính phủ mong muốn phải làm tốt hơn. Những vướng mắc hiện nay có thể giải quyết được nếu chúng ta quyết tâm", Thủ tướng nêu quan điểm.

Cho vay bất động sản và chứng khoán đang tăng

Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tính đến ngày 29.2, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,3%/năm và 6,4%/năm, giảm khoảng 0,2%/năm và 0,7%/năm so với cuối năm 2023. NHNN đã định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến.

Cho biết tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm vẫn âm, song ông Tú cho rằng, nguyên nhân do yếu tố mùa vụ, tăng trưởng thường cao vào cuối năm. Trong đó, chỉ có 2 lĩnh vực tăng trưởng tín dụng là cho vay bất động sản và chứng khoán, còn lại các lĩnh vực khác mức tăng rất hạn chế.

Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, thanh khoản hệ thống còn rất dồi dào, song cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, thiếu đơn hàng, không có nhu cầu vay vốn. Tín dụng bất động sản chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng toàn ngân hàng, nhưng bất động sản còn trầm lắng, khiến tín dụng toàn hệ thống giảm. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng khó tiếp cận vốn như doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Đề cập đến gói 120.000 tỉ đồng, ông Tú phản ánh còn nhiều vướng mắc về thủ tục, dự án cải tạo lại chung cư rất ít. Trong 68 dự án địa phương công bố, theo ông Tú, chỉ có 4 dự án cải tạo chung cư cũ, trong đó mới có 2 dự án đặt vấn đề vay vốn tín dụng. Một số điều kiện với người mua nhà không còn phù hợp, người dân không có việc làm, giảm thu nhập nên không có nhu cầu vay mua nhà…

Để thúc đẩy tín dụng, Phó thống đốc NHNN cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó phối hợp Bộ Công an đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, chống tín dụng đen; cùng Bộ Xây dựng triển khai gói 120.000 tỉ đồng và 1 triệu căn nhà ở xã hội

“Cần đảm bảo quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Tú nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.