Thủ tướng nhìn nhận hơn 30 năm đổi mới đất nước, nền kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký kỷ lục. Đặc biệt, kinh tế tư nhân nổi lên như động lực quan trọng dẫn đắt sự phát triển nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định thương hiệu, giá trị của mình trên thường trường, được người dân đón nhận. Hai năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 10 về kinh tế tư nhân đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới, khát vọng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý kết quả đó vẫn còn chưa xứng với tiềm năng. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước có vai trò quan trọng phát triển nhưng vẫn còn rào cản kinh doanh, do đó, các cấp cần kích hoạt vai trò này tốt hơn nữa. Nhắc lại ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ và Thủ tướng luôn khuyến khích tư nhân khởi nghiệp, sáng tạo trên mọi lĩnh vực, Thủ tướng bày tỏ: “Tôi tin rằng, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu”.
Tại diễn đàn này, Thủ tướng đặt một số vấn đề để Diễn đàn đối thoại, như làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam đa phần quy mô nhỏ có thể vươn ra quốc tế? Làm thể nào hàng triệu hộ cá thể chuyển mô hình lên doanh nghiệp, nhằm phát huy lợi thế, tạo hiệu quả cho xã hội?... Đây là những vấn đề khó, nhưng Thủ tướng tin rằng, nếu có khát vọng, có sự đồng lòng và quyết tâm cao, sẽ thành công.
So sánh 20-30 năm trước, vốn và máy móc có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thì ở thời điểm này, con người phải đổi mới sáng tạo mới là trụ cột của nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến công nghệ mà ở tất cả mọi lĩnh vực, từ tư duy, suy nghĩ, cách thức vận động và sản xuất kinh doanh”.
|
Doanh nhân cần kinh doanh kiêm chính, góp phần chống tham nhũng
Thủ tướng không quên nhắc nhở tinh thần doanh nghiệp tư nhân. Theo Thủ tướng, thứ nhất, mỗi doanh nhân cần phải có chí tiến thủ, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có, phải xông xáo, tìm kiếm nắm bắt được các cơ hội; nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, đổi mới quản trị và tổ chức.
Thứ 2, doanh nhân cần kinh doanh kiêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính. Doanh nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Thứ ba, tinh thần yêu nước, khát vọng dân tộc và đạo đức kinh doanh. Đối với Việt Nam, ở vào giai đoạn phát triển trung bình, mỗi doanh nhân cần thêm lòng yêu nước, ý thức làm cho dân giàu nước mạnh. Các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng cạnh tranh trên thế giới, góp phần làm cho hình ảnh nước ta sáng chói trên trường quốc tế.
“Các doanh nghiệp cần đề cao triết lý kinh doanh vì doanh nghiệp, vì xã hội, vì tương lai dân tộc. Trong thời đại hội nhập, phải có tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc mới có thể phát triển. Kinh tế tư nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai. Một doanh nhân trẻ có thể xuất phát điểm thấp, nhưng tương lai sẽ trở thành một doanh nhân nổi tiếng, gánh trên vai sứ mệnh của đất nước, xã hội”, Thủ tướng nói.
Có rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp của doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng tin tưởng đó là xung lực lớn làm lên quyết tâm của Chính phủ cũng như doanh nhân, khơi dậy mọi tiềm năng khởi nghiệp của doanh nghiệp tư nhân, trên con đường thực hiện một khát vọng, mục tiêu chiến lược vì Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng vào năm 2045.
“Tôi kêu gọi tiếp tục tạo dựng niềm tin, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Một khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn lạnh, bền vững bên cạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, khu vực hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.
Bình luận (0)