Thủ tướng gặp song phương nhiều nguyên thủ dự Phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ

An Nguyên
từ New York, Mỹ
21/09/2023 08:19 GMT+7

Chiều 20.9 giờ địa phương (rạng sáng 21.9 giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hàng loạt cuộc gặp song phương với Tổng thống Rumani Klaus Iohannis, Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar, Tổng thống Phần Lan Sauli Ninisto, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, Thủ tướng Thái Lan... nhân dịp tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ 78 tại New York (Mỹ).

Trong cuộc hội kiến Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư, đưa quan hệ kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.

Chủ tịch Miguel Díaz-Canel khẳng định quan hệ Cuba - Việt Nam là biểu tượng cao đẹp về tình đồng chí, tình hữu nghị gắn bó, được Chủ tịch Fidel Castro, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp qua nhiều thời kỳ.

Ông cũng khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam để thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại, nhất là hợp tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.

Thủ tướng gặp song phương với các nguyên thủ dự Phiên họp cấp cao Đại hội đồngLHQ - Ảnh 1.

Hội kiến Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư, đưa quan hệ kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước

NHẬT BẮC

Tại cuộc gặp với Tổng thống Rumani Klaus Iohannis, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục tạo đột phá về thương mại, đầu tư để quan hệ hai nước phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mỗi nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng hai bên cần tiếp tục phát triển hợp tác về lao động và GD-ĐT - những lĩnh vực cả hai nước đều có nhu cầu và thế mạnh; chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bền vững ĐBSCL và sông Danube.

Tổng thống Klaus Iohannis khẳng định Rumani sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác mọi mặt với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân để tương xứng với đà phát triển quan hệ hai nước.

Thủ tướng gặp song phương với các nguyên thủ dự Phiên họp cấp cao Đại hội đồngLHQ - Ảnh 2.

Thủ tướng gặp song phương với Tổng thống Phần Lan Sauli Ninisto

NHẬT BẮC

Gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Ba Lan - một đối tác ưu tiên tại Trung Đông Âu. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Chính phủ Ba Lan tạo điều kiện để cộng đồng người Việt tại Ba Lan sinh sống, làm việc ổn định, hòa nhập tốt với sở tại.

Tổng thống Ba Lan đánh giá cao thành tựu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được sau đại dịch. Ông đặc biệt quan tâm việc thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước và cho rằng tiềm năng hợp tác hai bên còn rất nhiều, trong đó có các lĩnh vực như GD-ĐT, công nghệ thông tin, y tế, dược phẩm, nông nghiệp.

Ông Andrzej Duda cũng mong Chính phủ Việt Nam tích cực ủng hộ doanh nghiệp Ba Lan đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Quốc hội và Chính phủ Slovenia sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và có tiếng nói tích cực để Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản Việt Nam khi gặp Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar.

Thủ tướng gặp song phương với các nguyên thủ dự Phiên họp cấp cao Đại hội đồngLHQ - Ảnh 3.

Thủ tướng gặp song phương với Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar

NHẬT BẮC

Slovenia là một trong những đối tác ưu tiên của Việt Nam tại châu Âu. Tổng thống nước này cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực tiềm năng như lao động, KH-CN, bảo vệ tài nguyên nước, dược phẩm, bảo vệ môi trường.

Gặp Tổng thống Phần Lan Sauli Ninisto, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập mong muốn mở rộng xuất khẩu nông sản, da giày, dệt may và các sản phẩm hàng hóa khác sang thị trường nước này.

Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ Phần Lan sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tạo động lực thúc đẩy quan hệ đầu tư trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị Phần Lan ủng hộ EC sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.