Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong 4 khóa Chính phủ vừa qua, nhất là Chính phủ khoá XI (2002-2007), cơ cấu của Chính phủ đã không ngừng được đổi mới, tinh gọn hơn theo hướng thu hẹp lại số bộ, giảm số bộ đơn ngành để hình thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Các cơ quan bên trong các Bộ tiếp tục được kiện toàn, chức năng, nhiệm vụ được sắp xếp, tổ chức lại ngày càng rõ hơn, phù hợp với tình hình mới. Cách thức quản lý của các bộ, ngành từng bước thay đổi, dần tách khỏi quản lý trực tiếp các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục dần tình trạng chồng chéo, không rõ ràng trong quản lý.
“Hiệu lực, hiệu quả của công tác điều hành, quản lý của bộ máy Chính phủ đã từng bước được nâng cao”, Thủ tướng nhận định.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến những yếu kém, hạn chế của bộ máy Chính phủ trong thời gian qua: “Cơ cấu của Chính phủ còn cồng kềnh, nhiều đầu mối. Vẫn còn một số bộ đơn ngành, đơn lĩnh vực. Còn một số cơ quan chưa rõ ràng trong chức năng, nhiệm vụ; có tình trạng chia cắt...”.
|
Xuất phát từ yêu cầu tổ chức lại, đổi mới phương thức lãnh đạo của Chính phủ, của các Bộ, ngành để đáp ứng yêu cầu về điều hành kinh tế - xã hội theo hướng tinh gọn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị với QH về cơ cấu Chính phủ, số Phó thủ tướng, thành viên của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới như sau:
Về cơ cấu Chính phủ, Thủ tướng đề nghị giảm số Bộ, cơ quan ngang Bộ còn 22. Trong đó, sáp nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lý do sáp nhập: do Bộ Thủy sản là bộ đơn ngành và mô hình tổ chức không còn phù hợp về quản lý Nhà nước trong giai đoạn mới. Hơn nữa, giữa 2 bộ này có nhiều điểm tương đồng về các cơ chế, chính sách: chế biến, nuôi trồng, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.
Thủ tướng đề nghị sáp nhập Bộ Thương mại với Bộ Công nghiệp thành Bộ Công thương. Theo Thủ tướng, việc sáp nhập 2 bộ này phù hợp với thực tế kết hợp 2 khâu sản xuất và lưu thông hàng hóa. Hơn nữa, khối doanh nghiệp trong 2 Bộ này hiện nay đang dần chuyển sang các tập đoàn, được cổ phần hóa hoặc hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Chức năng quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh đã giảm và các Bộ phải chuyển sang quản lý vĩ mô nhiều hơn nên việc để mô hình như 2 bộ hiện nay không còn phù hợp.
Cũng theo Tờ trình, Thủ tướng để nghị giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em do Ủy ban này có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với một số cơ quan Nhà nước khác. Hơn nữa, việc quản lý về các vấn đề dân số, gia đình, trẻ em của cơ quan này trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Sau khi giải thể, chức năng quản lý về dân số sẽ được chuyển qua Bộ Y tế, chức năng quản lý về gia đình chuyển qua Bộ Văn hóa -Thể thao - Du lịch. Còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện nội dung quản lý, chăm sóc trẻ em.
Thủ tướng đề nghị hợp nhất Ủy ban Thể dục Thể thao và Tổng cục Du lịch vào Bộ Văn hóa Thông tin để hình thành Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Sau khi sáp nhập, Tổng cục Du lịch vẫn giữ nguyên tên gọi là Tổng cục Du lịch. Riêng Cục Báo chí Xuất bản hiện nay được hợp nhất vào Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được đổi tên thành Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biển để thực hiện thêm chức năng quản lý tài nguyên, môi trường về biển; xây dựng các cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển biển, du lịch biển, khai thác dầu khí...
Một nội dung đặc biệt của Tờ trình là về công tác nhân sự. Thủ tướng Chính phủ đã giới thiệu số lượng Phó thủ tướng nhiệm kỳ Chính phủ XII gồm 5 người: một Phó thủ tướng thường trực thay mặt Chính phủ giải quyết các công việc của Chính phủ, thực hiện các công việc khi Thủ tướng vắng mặt; một Phó thủ tướng theo dõi, chỉ đạo kinh tế ngành; một Phó thủ tướng phụ trách chỉ đạo khối văn hóa - xã hội; một Phó thủ tướng phụ trách công tác đối ngoại kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và một Phó thủ tướng làm Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng - chống tham nhũng.
Chính phủ sẽ có 22 thành viên khác là các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan Chính phủ. Như vậy, tổng cộng Chính phủ sẽ có 28 người, giảm 2 thành viên so với Chính phủ khóa XI.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật do ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Ủy ban này trình bày đã nhất trí với nội dung của Tờ trình. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật lưu ý việc sáp nhập các Bộ, ngành làm sao phải tránh tình trạng sáp nhập một cách “cơ học”, làm giảm hiệu quả hoạt động, thiếu chặt chẽ.
Ủy ban này đề nghị Chính phủ phải thực hiện sắp xếp, tổ chức lại sao cho tinh gọn, nhân sự phải có trình độ và người đứng đầu các cơ quan Chính phủ phải quán quyết được mọi hoạt động của bộ, ngành mình phụ trách.
TNO
Bình luận (0)