Chiều 19.5, trong chương trình làm việc tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo, đại diện Hội Hòa bình hữu nghị Hiroshima - Việt Nam, Hội Hiroshima - Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Hiroshima.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về truyền thống văn hóa lịch sử của Nhật Bản và Hiroshima nói riêng. Cho rằng Hiroshima là một biểu tượng của tinh thần chống chiến tranh, yêu chuộng hòa bình, Thủ tướng cũng bày tỏ chia sẻ với những mất mát của Hiroshima trong chiến tranh với hậu quả kéo dài, đồng thời bày tỏ khâm phục sự vươn lên mạnh mẽ của vùng đất này sau chiến tranh.
Thủ tướng mong muốn các hội hữu nghị của Hiroshima tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam với Nhật Bản nói chung và với Hiroshima nói riêng ngày càng bền chặt, hiệu quả, đơm hoa kết trái nhiều hơn trong tương lai.
Nhắc lại vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima trong những ngày cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai, ông Akagi Tatsuo, Phó chủ tịch Hội Hòa bình hữu nghị Hiroshima - Việt Nam, cho rằng Hiroshima và Việt Nam có điểm tương đồng là đều chịu sự tàn phá và hậu quả nặng nề của chiến tranh. Ông khẳng định các hội hữu nghị sẽ tích cực triển khai các hoạt động theo định hướng, chỉ đạo của Thủ tướng, tiếp tục đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Trong chương trình Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, lãnh đạo các nước tham dự sẽ tới thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Điều này có ý nghĩa đặc biệt, khi đây là nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 6.8.1945, cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người.
Đây là lần đầu tiên thành phố bị ném bom nguyên tử đăng cai sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của G7. Trước thềm hội nghị, 80% nạn nhân sống sót sau 2 vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945 đã ủng hộ ý tưởng chọn Hiroshima là nơi tổ chức hội nghị.
Vietjet công bố đường bay thẳng tới Hiroshima
Chiều tối 19.5, tại Hiroshima, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản và chính quyền tỉnh Hiroshima đã chứng kiến lễ công bố đường bay thẳng đầu tiên từ Việt Nam đến tỉnh Hiroshima (Nhật Bản) của Vietjet.
Đường bay Hà Nội - Hiroshima bắt đầu phục vụ hành khách từ ngày 19.7 với 2 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào các ngày thứ tư và chủ nhật. Thời gian bay mỗi chặng khoảng 4 giờ 30 phút.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Masahiko Tanabe, Phó thống đốc tỉnh Hiroshima, cho biết Hiroshima đang có kế hoạch mở rộng mạng bay của tỉnh. Đường bay thẳng tới Hiroshima của Vietjet cũng là đường bay đầu tiên nối khu vực Chugoku và Shikoku với Việt Nam.
Còn theo ông Đinh Việt Phương, Tổng giám đốc Vietjet, với vai trò là thành viên của Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản - Keidanren, tổ chức kinh tế toàn diện lớn nhất Nhật Bản, Vietjet cam kết sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay đến Nhật, mang đến thêm nhiều cơ hội hợp tác song phương, đa phương, với nhiều lựa chọn bay thuận tiện.
Năm 2023, Vietjet có kế hoạch cung ứng hơn 1,5 triệu ghế giữa Việt Nam và Nhật Bản, kết nối toàn diện các trung tâm du lịch và kinh tế của Nhật Bản với các điểm đến hấp dẫn trên khắp Việt Nam và khu vực như Úc, Ấn Độ, Kazakhstan… và xa hơn nữa.
Hiroshima là thành phố nằm ở phía tây nam Nhật Bản, có vị trí chiến lược kết nối vùng Kansai và Kyushu của Nhật Bản, với nền kinh tế biển và công nghiệp nặng phát triển, là biểu tượng vươn lên mạnh mẽ sau thế chiến.
Hiroshima sở hữu nhiều điểm tham quan được UNESCO công nhận di sản thế giới như đền Itsukushima với cổng Torii nổi trên biển, khu tưởng niệm hòa bình, lâu đài Hiroshima,…cùng ẩm thực địa phương hấp dẫn.
Bình luận (0)