Kế hoạch cải cách tư pháp được các quan chức và đồng minh của Thủ tướng Netanyahu trong liên minh cầm quyền đưa ra nhằm trao quyền kiểm soát việc bổ nhiệm thẩm phán cho phe hành pháp, trong khi cho quốc hội quyền đảo ngược phán quyết của tòa án tối cao.
Do đang bị xét xử liên quan các cáo buộc gian lận, hối lộ và gây mất lòng tin nên ông Netanyahu không tham gia vào việc đề xuất cải cách nhằm tránh gây xung đột lợi ích. Tuy nhiên, phe chỉ trích cho rằng vị thủ tướng có vai trò trong kế hoạch này.
Các dự luật đã gây ra nhiều cuộc biểu tình trong vài tuần qua. Đến hôm 26.3, biểu tình và bạo lực bùng phát sau khi Thủ tướng Netanyahu bất ngờ cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì ông này phản đối kế hoạch.
Phong trào biểu tình tiếp tục trong ngày 27.3 và nhiều liên đoàn lao động đình công, gây tê liệt hoạt động tại các sân bay, bến cảng lớn của Israel.
Cuối ngày 27.3, Thủ tướng Netanyahu thông báo tạm ngừng kế hoạch lập pháp cho đến khi quốc hội làm việc trở lại sau kỳ nghỉ vào tháng 4. Nhà lãnh đạo cho rằng cuộc khủng hoảng đòi hỏi toàn bộ các bên hành động có trách nhiệm.
"Xã hội Israel đang trong tiến trình va chạm nguy hiểm. Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng gây đe dọa sự đoàn kết cơ bản", Thủ tướng Netanyahu nói trên truyền hình.
Trong lúc đó, làn sóng người biểu tình tập hợp tại Jerusalem và Tel Aviv, gồm cả phe ủng hộ và phản đối các dự luật, đã gây lo ngại về nguy cơ đụng độ bạo lực, nhưng đến cuối ngày không có báo cáo về cuộc đụng độ lớn nào.
Ông Netanyahu và người ủng hộ cho rằng kế hoạch cải cách sẽ đảm bảo sự cân bằng giữa chính phủ được bầu và bộ máy tư pháp, không gây hại đến quyền cá nhân và các nhóm thiểu số.
Tuy nhiên, phe phản đối cho rằng cải cách sẽ phá hủy tính kiểm soát và cân bằng quyền lực trong nền dân chủ. Nhiều người biểu tình vẫn tỏ ra nghi ngờ về động thái xuống nước của ông Netanyahu và tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi kế hoạch bị hủy bỏ hoàn toàn.
Các đồng minh trong liên minh cầm quyền cũng tỏ ra không hài lòng và gọi quyết định của ông Netanyahu là sai lầm. Trước đó, truyền thông Israel đưa tin lãnh đạo một đảng trong liên minh cầm quyền đe dọa sẽ rút ra nếu kế hoạch bị gác lại, khiến những người khác phải trấn an và kêu gọi đoàn kết trước nguy cơ chính phủ sụp đổ.
Kế hoạch cải cách tư pháp cùng những diễn biến sau đó tại Israel đã khiến những đồng minh của nước này như Mỹ và Đức lên tiếng quan ngại. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã hoan nghênh hành động mới nhất của Thủ tướng Netanyahu.
Bình luận (0)