Đình công lớn nhất 30 năm ở Đức, hàng triệu người bị gián đoạn đi lại

27/03/2023 22:07 GMT+7

Các sân bay, bến xe và ga tàu trên khắp nước Đức đã ngừng hoạt động hôm 27.3 trong cuộc đình công lớn nhất kể từ năm 1992, giữa lúc nền kinh tế đầu tàu của châu Âu cố gắng chống chọi với lạm phát.

Đình công lớn nhất 30 năm ở Đức, hàng triệu người bị gián đoạn đi lại - Ảnh 1.

Tàu nằm trong bãi ở thành phố Bonn của Đức ngày 27.3

REUTERS

Các cuộc đình công mang tính "cảnh cáo", do công đoàn thương mại Verdi và công đoàn đường sắt và vận tải EVG phát động, dự kiến kéo dài 24 giờ. Sự kiện đã khiến hàng triệu người bị gián đoạn đi lại ở Đức ngay trong ngày làm việc đầu tuần, theo Reuters.

Đây là diễn biến mới nhất trong nỗ lực của người lao động ở các nền kinh tế hàng đầu châu Âu suốt nhiều tháng qua, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng cao khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.

Các công đoàn nói trên đã bắt đầu 3 ngày đàm phán về tiền lương, động thái có thể dẫn đến các cuộc đình công tiếp theo nếu họ không có được sự thỏa hiệp. Các chủ sử dụng lao động đã đề nghị tăng lương thêm 5% trong thời hạn 27 tháng, cùng với khoản chi một lần 2.500 euro. Các công đoàn, vốn đang kêu gọi tăng lương ở mức hai con số, cho rằng những đề xuất đó là không thể chấp nhận được, trong bối cảnh lạm phát ở Đức đã tăng lên tới 9,3% hồi tháng 2.

Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga trước khi xung đột bùng nổ ở Ukraine, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi tình trạng lạm phát khi nước này tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế. Tỷ lệ lạm phát ở Đức đã vượt quá mức trung bình của khu vực đồng euro trong những tháng gần đây.

Các nhà kinh tế cho rằng tình trạng thiếu lao động kinh niên ngày càng trầm trọng mang lại cho các công đoàn lợi thế lớn trong việc đàm phán. Theo Verdi, cuộc đình công ngày 27.3 là cuộc đình công lớn nhất kể từ năm 1992 ở Đức, quốc gia vốn có lịch sử lâu đầu về thương lượng tiền lương tập thể.

Hiệp hội Sân bay ADV ước tính có 380.000 hành khách đi máy bay bị ảnh hưởng do các chuyến bay bị hủy, bao gồm các chuyến bay tại hai sân bay lớn nhất của Đức ở Munich và Frankfurt. Chỉ riêng ở Frankfurt, gần 1.200 chuyến bay với tổng cộng 160.000 hành khách đã bị hủy và những người mắc kẹt phải ngủ trên băng ghế ở sân bay.

Dịch vụ đường sắt cũng ngừng hoạt động theo quyết định của công ty điều hành đường sắt Deutsche Bahn. Người lao động đình công mặc áo khoác màu vàng hoặc đỏ đã thổi còi, giương biểu ngữ và vẫy cờ trong các cuộc biểu tình.

Verdi đang đàm phán thay mặt cho khoảng 2,5 triệu người lao động trong khu vực công, bao gồm giao thông công cộng và tại các sân bay, trong khi EVG đàm phán cho khoảng 230.000 nhân viên tại Deutsche Bahn và các công ty xe buýt.

Verdi yêu cầu tăng lương 10,5%, tức là lương sẽ tăng ít nhất 500 euro mỗi tháng, trong khi EVG yêu cầu tăng 12%, tức ít nhất 650 euro mỗi tháng.

Bộ Nội vụ Đức cho biết các yêu cầu này đồng nghĩa với việc chi ngân sách sẽ tăng thêm 1,4 tỉ euro mỗi năm. Và nếu thỏa thuận tiền lương đó được mở rộng cho những lĩnh vực khác trong khu vực công cũng như công chức, thẩm phán và quân nhân đã nghỉ hưu, thì con số tổng cộng sẽ là 4,7 tỉ euro.

Người phát ngôn của chính phủ Đức ngày 27.3 cho rằng yếu tố chính trị không nên được đưa vào các cuộc đàm phán về tiền lương, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser bày tỏ tin tưởng các bên sẽ tìm được giải pháp trong tuần này.

Chủ tịch EVG Martin Burkert cảnh báo các cuộc đình công tiếp theo có thể diễn ra, kể cả trong thời gian nghỉ lễ Phục sinh. Dù vậy, tình hình ở Đức vẫn chưa nghiêm trọng bằng các cuộc biểu tình phản đối cuộc cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron ở nước láng giềng Pháp, vốn đã dẫn đến bạo lực đường phố tồi tệ nhất trong nhiều năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.