Tình trạng bất ổn gia tăng với hàng loạt cuộc đình công tại Pháp đã tạo ra thách thức nghiêm trọng nhất mà chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt kể từ phong trào biểu tình "Gilets Jaunes" (Áo khoác vàng) cách đây 4 năm.
Tại quảng trường Place d'Italie ở phía nam Paris ngày 18.3, người biểu tình hô vang những khẩu hiệu nhắm vào Tổng thống Macron. Cảnh sát chống bạo động đã sử dụng hơi cay và đụng độ với một số người trong đám đông khi các thùng rác bị đốt cháy, theo Reuters.
Chính quyền thành phố đã cấm tổ chức biểu tình tại quảng trường Place de la Concorde và đại lộ Champ-Elysees gần đó ở trung tâm Paris vào tối 18.3, sau khi 61 người bị bắt trong các cuộc biểu tình vào đêm hôm trước. 81 người khác đã bị bắt giữ vào tối 18.3.
Paris thành "bãi chiến trường" giữa cuộc biểu tình chống cải cách lương hưu ở Pháp
Trước đó tại thủ đô nước Pháp, một nhóm sinh viên và các nhà hoạt động từ nhóm "Revolution Permanente" đã nhanh chóng xâm chiếm trung tâm mua sắm Forum des Halles, vẫy biểu ngữ kêu gọi tổng đình công và hô vang khẩu hiệu "Paris đứng lên, đứng dậy", theo video trên mạng xã hội.
Đài truyền hình BFM cũng đưa tin về các cuộc biểu tình đang diễn ra ở các thành phố như Compiegne ở miền bắc, Nantes ở miền tây và Marseille ở miền nam nước Pháp. Tại Bordeaux, ở phía tây nam, cảnh sát cũng sử dụng hơi cay để chống lại những người biểu tình phóng hỏa.
"Cải cách phải được thực hiện... Bạo lực không thể được dung thứ", Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire nói với báo Le Parisien.
Một liên minh rộng lớn gồm các tổ chức công đoàn chính của Pháp cho biết họ sẽ tiếp tục vận động để buộc chính phủ Tổng thống Macron hủy bỏ kế hoạch.
Khoảng 37% nhân viên vận hành tại các nhà máy lọc dầu và kho chứa của TotalEnergies - tại các địa điểm bao gồm Feyzin ở đông nam nước Pháp và Normandy ở phía bắc - đã đình công hôm 18.3, một phát ngôn viên của công ty cho biết. Các cuộc đình công tiếp tục diễn ra trong ngành đường sắt.
Trong khi 8 ngày biểu tình trên toàn quốc kể từ giữa tháng 1 và nhiều hoạt động tại các địa phương đến nay phần lớn diễn ra trong hòa bình, thì tình trạng bất ổn trong 3 ngày qua gợi nhớ đến các cuộc biểu tình "Áo khoác vàng" nổ ra vào cuối năm 2018 vì giá nhiên liệu cao. Những cuộc biểu tình đó đã buộc ông Macron phải thay đổi một phần chính sách thuế carbon.
Cải cách của ông Macron nâng tuổi hưởng lương hưu thêm hai năm, từ 62 thành 64 tuổi, điều mà chính phủ cho là cần thiết để đảm bảo hệ thống không bị phá sản. Chính quyền Macron đã tuyên bố sẽ áp dụng một điều khoản trong hiến pháp cho phép thông qua kế hoạch này mà không cần bỏ phiếu tại quốc hội.
Bình luận (0)