Ngày 21.12, TAND tối cao tổ chức hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến gần 800 điểm cầu của toàn hệ thống tòa án.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, số lượng các vi phạm, tội phạm, tranh chấp, khiếu kiện ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với quy mô dân số và nền kinh tế; đặc biệt, số lượng các vụ việc phải thụ lý, giải quyết tăng mạnh (mỗi năm tăng trung bình khoảng 10%), song tòa án các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để cố gắng giải quyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, với tỷ lệ giải quyết án đạt cao (trên 97%), vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (so với nhiệm kỳ trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 35%, đã giải quyết tăng 33%).
Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được bảo đảm, có nhiều tiến bộ và không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa liên tục giảm dần qua các năm...
Bên cạnh đó, trong năm 2020, toà án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử.
Công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội; đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ, kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ; tuyên hình phạt nghiêm khắc với bị cáo chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước với phương châm "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Đồng thời, tòa án đã chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn xét xử, thi hành án, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Theo Thủ tướng, năm 2021 và cả nhiệm kỳ tới là giai đoạn bắt đầu xây dựng và chuẩn bị thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp mới theo Nghị quyết của Đảng. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đặt ra với ngành tòa án là có những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho Chiến lược cải cách tư pháp mới của toà án nói riêng, nền tư pháp nói chung, nhằm thích ứng tốt hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới.
Không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm
Thủ tướng đề nghị ngành tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Đáng chú ý, theo Thủ tướng, trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, phải bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Kiên quyết khắc phục cả hai xu hướng “hình sự hóa” các quan hệ, tranh chấp dân sự, kinh tế; và xu hướng “dân sự hóa” các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hành vi phạm tội hình sự.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị ngành tòa án tiếp tục tích cực, chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cam kết sẽ cụ thể hóa những định hướng chỉ đạo của Thủ tướng thành những nhiệm vụ, chương trình hành động cụ thể và tổ chức triển khai có hiệu quả trong toàn hệ thống toà án.
Theo đó, tòa án sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, mà trọng tâm là hoạt động xét xử; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa…
Bình luận (0)