Thủ tướng: Làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT?

Mai Hà
Mai Hà
17/11/2023 16:58 GMT+7

Chiều 17.11, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ đến các nhà giáo.

Gặp Thủ tướng, cô giáo mầm non vùng cao chia sẻ khó khăn thầy cô 'cắm bản' - Ảnh 1.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Thủ tướng gặp gỡ, tri ân đội ngũ giáo viên

NHẬT BẮC

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mầm non, phổ thông, đến dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập. 

Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn được đào tạo theo luật Giáo dục 2019 của cấp mầm non là 86,3%, cấp tiểu học là 83,3%, cấp THCS là 90,3%, cấp THPT là 99,9%.

Tuy nhiên, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Đời sống của nhà giáo có nhiều khó khăn, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa. Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra tại nhiều địa phương...

Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026. 

Báo cáo với Thủ tướng, cô giáo Dương Thị Diến (35 tuổi) dân tộc Tày, ở Bắc Kạn, cho biết từ nhỏ đã có ước mơ được làm cô giáo mầm non. Năm 2009, cô giáo Diến tình nguyện lên Lai Châu công tác, được phân công giảng dạy tại Trường mầm non xã Tà Mít (H.Tân Uyên), là trường thuộc xã đặc biệt khó khăn thời điểm đó. 

Mất hơn 4 giờ đồng hồ mới đến được trung tâm trường, cô giáo Diến cảm nhận sâu sắc những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn của các thầy cô giáo "cắm bản" ở vùng sâu, vùng xa, cùng nỗi nhớ gia đình, người thân. Tuy nhiên, cô đã được các đồng nghiệp đón, động viên, cùng với những ánh mắt trẻ thơ đầy yêu thương, những câu chào đón đầy thân thương của bà con dân bản, giúp cô có thêm nghị lực.

"Buổi đầu tiên đến nhận lớp, trước mắt tôi là lớp học được dựng tạm bằng tre, nứa, lợp bằng cỏ gianh với những bộ bàn ghế được ghép bằng ván. Cơ sở vật chất chỉ có vậy, nhưng đón tôi là 64 nụ cười và những cặp mắt trong veo đầy yêu thương của các bé khi nhìn thấy cô giáo mới. Từ giây phút đó, tôi đã quyết tâm gắn bó với sự nghiệp giáo dục của tỉnh Lai Châu", cô Diến nhớ lại.

Gặp Thủ tướng, cô giáo mầm non vùng cao chia sẻ khó khăn thầy cô 'cắm bản' - Ảnh 2.

Cô giáo mầm non vùng cao Dương Thị Diến chia sẻ tại cuộc gặp mặt với Thủ tướng chiều 17.11

NHẬT BẮC

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến những kết quả đáng tự hào của ngành giáo dục, trong đó có sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo. Thủ tướng cũng biểu dương những tấm gương tiêu biểu như cô Hoàng Thị Thái Hòa (Đại học Huế), thầy Lê Anh Tuấn (Trường đại học Phenika), thầy Nguyễn Hải Nam (Trường đại học Dược Hà Nội), thầy Nguyễn Trí (Bình Dương)…

Những thầy cô đã đào tạo nhiều em học sinh giỏi, tham gia và đạt nhiều giải thưởng quốc tế như thầy Hoàng Văn Nam (Hà Tĩnh), thầy Lê Đức Thịnh (Hải Phòng)… Hay những thầy, cô giáo bền bỉ băng suối, vượt đèo, gác lại nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, quyết "gùi con chữ" lên vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo như cô giáo Lầu Y Pay (Nghệ An), thầy Vũ Văn Tùng (Gia Lai), cô Phạm Thị Hồng (Yên Bái)…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phương châm "Lấy học sinh làm trung tâm", "Lấy nhà trường làm nền tảng", "Lấy thầy, cô giáo làm động lực". Câu hỏi đặt ra là chúng ta đã, đang và sẽ phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT một cách hiệu quả? Trong bối cảnh, tình hình mới, công tác dạy và học cần thay đổi như thế nào cho phù hợp? Làm thể nào để "học" thực sự đi đôi với "hành"? Làm sao để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế?

Nghề giáo là nghề cao quý, vậy chính sách đãi ngộ thế nào là phù hợp để thầy, cô yên tâm công tác, không ngừng phấn đấu, cống hiến vì nền giáo dục nước nhà, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn?

Để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa cho sự nghiệp GD-ĐT. Trong đó, tập trung tổng kết đầy đủ, toàn diện, thực chất công tác đổi mới GD-ĐT theo Nghị quyết số 29 của T.Ư.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học, phòng chống bạo lực trong trường học. Đặc biệt, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác GD-ĐT. Cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện đúng tinh thần: "Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên".

Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ nhà giáo là đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ, gợi mở suy nghĩ "muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt". Học sinh chỉ tiếp thu kiến thức hiệu quả nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của thầy cô có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và có phương pháp truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.