Thủ tướng lắng nghe người lao động hiến kế nâng cao năng suất

26/05/2024 08:59 GMT+7

Sáng 26.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự diễn đàn Năng suất lao động quốc gia, do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức nhân dịp Tháng Công nhân Việt Nam.

Diễn đàn là cơ hội để các cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân lao động phát huy vai trò và trách nhiệm trong đề xuất, kiến nghị, hiến kế các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Thủ tướng lắng nghe người lao động hiến kế nâng cao năng suất - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe chia sẻ của người lao động

NHẬT BẮC

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết diễn đàn là dịp để cán bộ công đoàn, công chức, viên chức, công nhân lao động cùng các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về thực trạng năng suất lao động Việt Nam.

Đặc biệt là các đề xuất, kiến nghị, hiến kế với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tiếp tục thúc đẩy nâng cao năng suất lao động chủ yếu từ góc độ người lao động. Diễn đàn cũng mong nhận được sự chia sẻ, đánh giá và thông điệp được truyền đi từ Thủ tướng đến người lao động cả nước về vấn đề nâng cao năng suất lao động.

Nữ công nhân may được 1.500 sản phẩm mỗi ngày

Chị Phùng Thị Hạnh, công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng công ty May 10 xúc động chia sẻ lại kỷ niệm từ khi vào May 10 năm 18 tuổi. Là công nhân mới chưa từng qua trường lớp đào tạo, chị rất ngưỡng mộ các cô chú anh chị đi trước và tự nhủ mình phải quan sát, học hỏi mỗi ngày. Lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ: làm thế nào để tăng năng suất, làm thế nào để tay nghề ngày càng nhanh hơn?

Khát vọng học hỏi không ngừng giúp chị từ những ngày đầu may được 200 - 300 sản phẩm, thì sau 5 tháng đã may được 700 - 800 sản phẩm/ngày, nhưng vẫn chưa hài lòng. Nghĩ rằng mình vẫn còn làm được nhiều hơn nữa, chị Hạnh đã học cách kiểm soát thời gian, với mục tiêu năng suất giờ sau tăng hơn giờ trước ít nhất 5%. 

Thủ tướng lắng nghe người lao động hiến kế nâng cao năng suất - Ảnh 2.

Chị Phùng Thị Hạnh, công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng công ty May 10

NHẬT BẮC

"Hơn một năm sau, tôi đã là người dẫn đầu về năng suất tại đơn vị với 1.400 sản phẩm/ngày, đạt 150% so với đồng nghiệp cùng công đoạn", chị Hạnh nói và cho rằng người thợ cũng cần chủ động học hỏi thêm các công nghệ khác nhau, đảm nhận được bất kỳ vị trí nào trong dây chuyền sản xuất.

Còn theo anh Mai Thiên Ân, Trưởng phòng sản xuất của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam tại TP.HCM, người lao động muốn nâng cao thu nhập cho bản thân phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt. 

Song thực tế hiện nay nhiều người lao động, đặc biệt là anh chị em công nhân chưa thực sự quan tâm và rèn luyện, nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp lên hàng đầu. 

Được doanh nghiệp tôn trọng, người lao động sẽ tự tin

Anh Thiên Ân cũng dẫn ra thực tế nhiều người lao động không tuân thủ quy định về an toàn, vệ sinh lao động gây ra các chấn thương thậm chí tử vong. Không tuân thủ giờ giấc, đi trễ về sớm, hay có mặt ở công ty đúng giờ nhưng điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc; làm việc nhóm không hiệu quả...

Thậm chí có công nhân lấy sản phẩm công ty để bán ra ngoài như trường hợp một doanh nghiệp phía nam, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng đến uy tín công ty...

"Tôi như bao công dân Việt Nam, mong muốn nước ta thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó năng suất lao động là động lực chính", anh Mai Thiên Ân chia sẻ và đề nghị có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ sớm để trở thành thói quen, nếp nghĩ, nếp làm.

Ông Phan Tuấn Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Honda Việt Nam, chia sẻ năm 1996 cứ 48 giây có một xe máy được lắp ráp rời khỏi dây chuyền, thì đến năm 2024 giảm xuống còn 24 giây. Tính đến nay công ty đã cung cấp gần 40 triệu chiếc xe máy, ô tô ra thị trường. 

"Văn hóa doanh nghiệp khuyến khích người lao động nỗ lực, chủ động, mơ ước, sáng tạo hơn. Khi được doanh nghiệp tôn trọng, người lao động sẽ tự tin, mong muốn được cống hiến, làm việc với hiệu suất cao hơn", ông Tuấn Anh nêu. Hiện mức thu nhập bình quân của công ty là 16,5 triệu đồng/người/tháng. 

Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia là điểm nhấn trong các hoạt động của Tháng Công nhân năm 2024, là hoạt động tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2024).

Nhân dịp này, Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa 2 bên năm 2024, trọng tâm phối hợp công tác năm 2024 và một số kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động với Thủ tướng Chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.