Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ vinh dự được phát biểu tại ICWA, nơi nhiều sáng kiến, ý tưởng về đối ngoại của Ấn Độ đã được khởi xướng, đặc biệt tại ngôi nhà Sapru, nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Nổi bật là hội nghị quan hệ châu Á lần thứ nhất năm 1947, đặt nền móng cho sự ra đời của Phong trào không liên kết sau này.
Sự hiện diện của đông đảo chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và các bạn sinh viên Ấn Độ tại ICWA là minh chứng sinh động cho sự quan tâm sâu sắc dành cho Việt Nam và quan hệ 2 nước.
Thủ tướng chia sẻ, chuyến thăm này đã được chứng kiến và cảm nhận sâu sắc về những thành tựu vĩ đại của nền văn minh sông Hằng và sự phát triển vượt bậc của Ấn Độ ngày nay.
Ấn Độ là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, từ ngôi đền Taj Mahal, số “0”, số thập phân cùng các bộ sử thi mà người Ấn cổ đại đã để lại cho nhân loại.
Đó cũng là tư tưởng “thống nhất trong đa dạng” đã làm nên bản sắc Ấn Độ, như nhà lãnh đạo kiệt xuất Nehru từng nói: “Ấn Độ tự thân là một thế giới - nơi hội tụ những đa dạng vĩ đại và tương phản vĩ đại”.
Đồng thời là kỳ tích của một dân tộc đã viết nên trang sử mới, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và đang vươn lên thành một cực quan trọng trong thế giới đa cực đang được định hình.
Đông đảo chính giới, các chuyên gia và sinh viên Ấn Độ lắng nghe bài phát biểu
NHẬT BẮC
Chia sẻ tầm nhìn thế giới và khu vực, Thủ tướng cũng đánh giá tình hình đang tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Bất trắc và bất ổn của môi trường an ninh toàn cầu đang ở mức cao, xung đột cục bộ và xu hướng tăng cường vũ trang phức tạp, đúng như Thủ tướng Modi nói “thế giới đang chia rẽ sâu sắc”.
Kinh tế thế giới bước vào chu kỳ phát triển mới nhưng vẫn nhiều rủi ro. Các nước đang phát triển đại diện 80% dân số thế giới và đóng góp hơn 40% GDP toàn cầu nhưng chưa có tiếng nói xứng tầm trong Liên Hiệp Quốc.
Là đối tác chiến lược toàn diện, theo Thủ tướng, Việt Nam và Ấn Độ cần chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển, đa cực, đa trung tâm, “thống nhất trong đa dạng”; ưu tiên đối thoại, hợp tác và các biện pháp hòa bình thay vì sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Thủ tướng cũng chia sẻ về chính sách "ngoại giao cây tre", thực hiện chính sách quốc phòng 4 không, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, huy động sức mạnh từ nhân dân.
Với thế và lực mới, Việt Nam ngày càng chủ động đóng góp cho các quan tâm chung của toàn cầu, trong đó có các nỗ lực gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, cứu trợ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo. Việt Nam cũng cam kết mạnh mẽ chuyển đổi năng lượng, hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
"Lòng tin chính là nền tảng cho sự phát triển"
Nhắc lại mối giao lưu mật thiết giữa Việt Nam và Ấn Độ đã bắt nguồn từ hơn 2.000 năm trước, khi các tăng sĩ và thương nhân người Ấn Độ đưa Phật giáo đến Việt Nam, Thủ tướng cho biết những tư tưởng bình đẳng, bác ái, vô ngã, vị tha của Phật giáo đã theo đó trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa Việt Nam.
Cùng với đó, sự giao thoa giữa hai nền văn hóa in đậm dấu ấn ở các tháp Chàm cổ kính ở miền Trung Việt Nam, trong đó có Thánh địa Mỹ Sơn, nơi ngày nay đã trở thành Di sản văn hóa thế giới. Cộng đồng người Ấn Độ ở miền Nam Việt Nam xuất hiện từ đầu thế kỷ 19 đã trở thành một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Không chỉ khởi nguồn từ những giá trị tương đồng, sâu sắc về văn hóa, Việt Nam và Ấn Độ còn đến với nhau từ sự đồng cảm, ủng hộ và cùng chia sẻ những ý tưởng chung trên con đường đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên được thành lập với niềm tin: "Sợi dây thân ái giữa hai nước chúng ta sẽ giúp cho việc gây hạnh phúc chung cho hai dân tộc chúng ta".
Cách đây 70 năm, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến thăm Việt Nam, ngay khi Thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng (tháng 10.1954).
"Cho đến tận hôm nay, hình ảnh hàng triệu người dân Ấn Độ hô vang khẩu hiệu "Tên anh Việt Nam, tên tôi Việt Nam, tên chúng ta Việt Nam, Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ" sẽ mãi mãi là dấu ấn không phai mờ về sự ủng hộ trong sáng, vô tư, sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình mà Chính phủ và nhân dân Ấn Độ dành cho Việt Nam", Thủ tướng phát biểu.
Chia sẻ quan điểm được Thủ tướng Modi nhiều lần nhấn mạnh "lòng tin chính là nền tảng cho sự phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất củng cố hơn nữa tin cậy chiến lược; tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng tầm và làm sâu sắc quan hệ hai nước trong giai đoạn mới.
"Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ tiếp tục "nở rộ dưới bầu trời thanh bình", như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ năm 1958, cùng đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)