Sáng 1.7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, gần 350 doanh nghiệp Hàn Quốc và 180 doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo bộ, ngành Việt Nam đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo ông Cho Hyun-sang, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Việt Nam, sự tham gia đông đảo này cho thấy mối quan tâm trong đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước.
“Đầu tháng 6, tôi được xem trận bóng đá rất hay mà Việt Nam lội ngược dòng để thắng đội Philippines dưới sự dẫn dắt của HLV Kim Sang-sik. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đích thân tới sân vận động cổ vũ các cầu thủ. Tại sao doanh nhân hai nước không thể có các cuộc chơi tuyệt vời như vậy dựa trên nền tảng quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước thời gian qua?”, ông Cho Hyun-sang nêu vấn đề.
Theo ông, Hàn Quốc và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác kinh tế không thể tách rời, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trao đổi giao lưu giữa hai nước ngày càng tăng cả về chiều rộng và chiều sâu. Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ, là nhà đầu tư FDI lớn nhất. Cứ 4 người nước ngoài đến Việt Nam thì có 1 người Hàn Quốc.
“Khách Hàn Quốc đặt biệt danh riêng cho Đà Nẵng, thể hiện mức độ yêu thích với du lịch Việt Nam”, ông Cho Hyun-sang chia sẻ và cho rằng, như cách hai nước đã xây dựng mối quan hệ trong 30 năm qua, chúng ta cần suy nghĩ về hướng đi cho 30 năm tới.
Môi trường kinh tế toàn cầu đang ở giữa làn sóng thay đổi, xung đột và bất ổn gia tăng, mỗi quốc gia đều đối mặt với khủng hoảng mới chưa từng trải qua. Hàn Quốc và Việt Nam phải là đối tác chiến lược để cùng nhau tìm ra giải pháp cho các thách thức này.
Ông Ahn Duk-geun, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thương mại tài nguyên Hàn Quốc, nhắc đến lời dạy của Hồ Chủ tịch là “dĩ bất biến ứng vạn biến” khi mở đầu bài phát biểu tại diễn đàn. Theo ông, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao từ 1992 đến nay, quan hệ hai nước đã đạt những tiến bộ vượt bậc trên tất cả các mặt. Đặc biệt, qua chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 6.2023, mối quan hệ hai nước gần gũi hơn bao giờ hết.
“30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao so với tuổi con người là lứa tuổi 30, dám thách thức đương đầu với những điều mới. Đây là thời điểm chuẩn bị cho 30 năm tiếp theo để mở rộng thương mại đầu tư để nâng kim ngạch lên 100 tỉ USD vào 2025”, Bộ trưởng Ahn Duk-geun nói.
Ông cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng. Dự kiến năm nay sẽ có 22 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết, là cơ sở mở rộng thương mại đầu tư giữa hai nước.
Theo ông Ahn Duk-geun, Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, nhất là đất hiếm, trong khi đó Hàn Quốc có lợi thế về công nghệ, tiềm năng hỗ trợ lẫn nhau rất lớn. Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và biến đổi khí hậu cũng được đẩy mạnh khi Việt Nam là nước đầu tiên Hàn Quốc ký kết biên bản ghi nhớ về năng lượng. Hàn Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm vận hành nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho Việt Nam.
“Tôi muốn chia sẻ với các doanh nhân câu nói mà Thủ tướng Phạm Minh Chính thường nhắc là cùng làm, cùng thắng và cùng hưởng”, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thương mại tài nguyên Hàn Quốc nhấn mạnh.
"Trước khi làm ăn, phải làm bạn"
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB, cũng cho biết, doanh nghiệp hai nước cần làm thế nào để triển khai nhanh hợp tác, dựa trên 2 yếu tố.
Thứ nhất là tin tưởng, hợp tác như người Hàn Quốc có câu “trước khi làm ăn, phải làm bạn”. Thứ hai là làm thế nào để phát triển chuỗi kinh doanh giá trị, khi xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và chỉ ra các đối tác đảm bảo khả năng từ phía Việt Nam”, ông Thái nói.
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định, quan hệ hai nước đang phát triển rất mạnh và “chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay”.
Với trọng tâm mở rộng đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, hợp tác để mở ra chân trời phát triển mới, Việt Nam và Hàn Quốc cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ hiện đại, tiên tiến, hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, quản trị thông minh.
Thủ tướng cũng khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi, quan trọng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, vì dư địa hợp tác trong những lĩnh vực này rất lớn, đặc biệt với các ngành như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen, công nghiệp văn hoá, giải trí…
“Chúng ta hãy cùng mở ra chân trời hợp tác mới để tạo giá trị cho doanh nghiệp, với tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh hai bên có thể cùng khai thác và tạo giá trị mới trong điều kiện hai nước có những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, mang lại sự phát triển hùng cường, thịnh vượng cho hai quốc gia theo tinh thần “biến không thành có, biến không thể thành có thể, biến khó thành dễ”.
Bình luận (0)