Thủ tướng: Nâng cấp đường sắt Hà Nội - TP.HCM, nghiên cứu tàu tốc độ cao Bắc - Nam

Mai Hà
Mai Hà
26/01/2023 19:56 GMT+7

Chiều 26.1 (mùng 5 tết Quý Mão), sau khi kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ ra quân dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn tại ga Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, lĩnh vực đường sắt triển khai 4 dự án nâng cấp, cải tạo các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM với số vốn khoảng 7.000 tỉ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ ra quân dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn

Nhật bắc

Đến nay, các dự án đã cơ bản hoàn thành đáp ứng tiến độ, chất lượng, còn lại 4 trên tổng số 35 gói thầu xây lắp dự kiến hoàn thành năm 2023.

Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn sẽ cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000 mm với các hạng mục cải tạo 4 cầu yếu trên tuyến; cải tạo kiến trúc tầng trên khoảng 87 km; cải tạo, sửa chữa ga hàng Sóng Thần và ga khách Dĩ An nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải; cải tạo hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ. Đến nay, đã ký hợp đồng 2 gói thầu xây lắp và đủ điều kiện để khởi công; 1 gói thầu đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế.

Phát biểu tại lễ ra quân, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương Bộ GTVT, UBND tỉnh Ninh Thuận và các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã chủ động tích cực, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành các thủ tục theo quy định để triển khai thi công dự án quan trọng và có ý nghĩa này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và là một trong 3 đột phá chiến lược.

Nhiệm kỳ này đã huy động được khoảng 500.000 tỉ đồng vốn nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, gấp khoảng 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Gần đây nhất, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 đã khởi công ngày 1.1.2023.

Tuy nhiên, như báo cáo của Bộ GTVT, thời gian vừa qua, do khó khăn về nguồn lực đầu tư nên về cơ bản mạng lưới đường sắt trong nước không có thay đổi so với trước đây; các dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt mới chỉ tập trung cải tạo, nâng cấp; chưa đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến mới theo quy hoạch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên

Nhật bắc

Vận tải đường sắt còn nhiều bất cập

Vận tải đường sắt còn bộc lộ một số bất cập, chưa phát huy được thế mạnh vốn có của phương thức vận tải khối lượng lớn, đường dài, thị phần giảm sút so với các phương thức vận tải khác làm ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển cân bằng của hệ thống GTVT, chưa kéo giảm được nhiều chi phí logictics, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đã xác định mục tiêu đến năm 2030 phải cải tạo nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, đồng thời xây dựng một số tuyến đường sắt trên các hành lang trọng yếu, đường sắt kết nối cảng biển, cảng hàng không quốc tế, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp... và kết nối quốc tế.

"Đây thực sự là một nhiệm vụ rất nặng nề và nhiều thách thức, đòi hỏi quyết tâm rất lớn, nỗ lực rất cao, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, coi là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện bằng được quy hoạch", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cụ thể hóa chủ trương và chính sách của Đảng về phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ đã giao các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để trình Hội đồng thẩm định nhà nước và các cấp để sớm triển khai theo quy hoạch, trong đó, nghiên cứu triển khai trước đoạn TP.HCM - Cần Thơ.

Cùng với đó, Chính phủ đã phê duyệt và bố trí khoảng 3.100 tỉ đồng trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn từ Hà Nội đến TP.HCM.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, đảm bảo hiệu quả, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành dự án.

Thủ tướng thăm hỏi, chúc tết cán bộ, công nhân dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt

nhật bắc

Các bộ, ngành liên quan của T.Ư, UBND tỉnh Ninh Thuận, phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Nguồn lực hơn 3.000 tỉ đồng không nhiều, nhưng nếu sử dụng tốt sẽ phát huy hiệu quả cao.

Thủ tướng cũng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đồng thời, nghiên cứu phát triển các tuyến đường sắt kết nối vùng kinh tế trọng điểm, kết nối cảng biển, cảng hàng không quốc tế.

Giai đoạn 2021 - 2025, lĩnh vực đường sắt đang chuẩn bị triển khai 8 dự án với số vốn khoảng 9.580 tỉ đồng, trong đó 2 dự án sử dụng vốn ODA và 6 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

2 dự án sử dụng vốn ODA gồm dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét và dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.

6 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước gồm 3 dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang và Nha Trang - Sài Gòn thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía bắc; dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống; dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.