Thủ tướng nêu 3 định hướng phối hợp giữa lập pháp và hành pháp trong ASEAN

10/05/2023 18:47 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 3 định hướng nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp giữa lập pháp và hành pháp khi cùng lãnh đạo các nước đối thoại với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA).

Hôm nay 10.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các nước đối thoại với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), thanh niên, Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) và Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Thủ tướng nêu ba định hướng phối hợp giữa lập pháp và hành pháp trong ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại các cuộc đối thoại

ĐOÀN BẮC

Nhận thức rõ về tầm vóc ASEAN, động lực tăng trưởng khu vực, các nghị viện thành viên AIPA cam kết phối hợp với các Chính phủ thúc đẩy phục hồi, tăng cường kết nối, hội nhập và bao trùm. Trước những tác động và hệ lụy phức tạp của biến chuyển trong địa chính trị, AIPA sẵn sàng chung tay cùng ASEAN vượt qua khó khăn, xây dựng tương lai tươi sáng cho khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự tham gia, đóng góp, chia sẻ ý kiến của các nhóm trên tinh thần cởi mở, chân thành và thực chất.

Đối thoại với các đại diện AIPA, Thủ tướng đã nêu 3 định hướng tăng cường hiệu quả phối hợp giữa lập pháp và hành pháp.

Một là, tăng cường phối hợp để hoàn thiện thể chế, hài hòa hóa pháp luật nhằm tháo gỡ các rào cản, khơi thông các điểm nghẽn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.

Hai là, rà soát, tăng cường các khung pháp lý tạo thuận lợi cho tự do dịch chuyển lao động nội khối.

Ba là, trước biến động ngày càng phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, AIPA tiếp tục đoàn kết, phối hợp chặt chẽ cùng ASEAN trong việc bảo vệ, đề cao các nguyên tắc và lập trường chung của ASEAN, nhất là tôn trọng các chuẩn mực ứng xử và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Thủ tướng nêu ba định hướng phối hợp giữa lập pháp và hành pháp trong ASEAN - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên đối thoại giữa các lãnh đạo ASEAN và AIPA

TTXVN

Nhận thức ASEAN đang trở thành tâm điểm tăng trưởng, các đại biểu ABAC nhấn mạnh ASEAN đang sở hữu nhiều lợi thế như tăng trưởng kinh tế hàng năm tới 5%; thị trường lao động lớn thứ 3 thế giới; có lợi thế tài nguyên thiên nhiên; kinh tế số đang trên đà phát triển mạnh, thị trường tiêu dùng rộng mở và có tiềm năng phát triển dài hạn...

Để phát huy tối đa các lợi thế, đại biểu ABAC kiến nghị 5 trọng tâm, gồm: tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại, tăng cường an ninh lương thực, tự cường y tế, chuyển đổi số và phát triển bền vững. ABAC cũng đang dự thảo Lộ trình doanh nghiệp ASEAN, nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế khu vực với vai trò dẫn dắt của đối tác công - tư.

Trao đổi về những đề xuất, khuyến nghị của ABAC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, chuyển đổi số, phát triển bền vững và bao trùm.

Để tạo bứt phá cho Cộng đồng kinh tế ASEAN, Thủ tướng nêu định hướng "3 cùng" với các doanh nghiệp, đó là cùng hoàn thiện thể chế, cùng phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược và cùng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao.

Tạo điều kiện để thanh niên được tham gia quyết định tương lai Cộng đồng ASEAN

Với chủ đề phát triển số công bằng và bao trùm ở khu vực, đại diện thanh niên ASEAN kiến nghị Chính phủ các nước nhanh chóng thích ứng và nắm bắt các tiến bộ công nghệ số, tạo các diễn đàn khuyến khích trao đổi, học hỏi kỹ năng số giữa thanh niên các nước ASEAN; qua đó tạo thêm điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số bao trùm, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng nêu ba định hướng phối hợp giữa lập pháp và hành pháp trong ASEAN - Ảnh 3.

Đại diện thanh niên ASEAN tham dự phiên đối thoại

TTXVN

Theo đó, các đại diện thanh niên đề xuất các nhóm giải pháp gồm: xây dựng hạ tầng số, cải thiện giáo dục số, hỗ trợ tiếp cận tài chính giúp thanh niên tham gia rộng rãi hơn vào lĩnh vực này.

Bày tỏ vui mừng khi đối thoại với thanh niên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò tiên phong, xung kích của thanh niên; khuyến khích thế hệ trẻ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, đi đầu trong các hoạt động tình nguyện, mang lại thay đổi tích cực cho cộng đồng.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết cùng ASEAN tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thanh niên được phát triển, được lắng nghe, được tham gia quyết định tương lai Cộng đồng ASEAN.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị đưa Cộng đồng ASEAN thành "cộng đồng học tập" nhằm phát triển kỹ năng cho thanh niên ASEAN và "cộng đồng sáng tạo" để ASEAN là vườn ươm khởi nghiệp, giúp thanh niên phát huy sức sáng tạo.

Thủ tướng nêu ba định hướng phối hợp giữa lập pháp và hành pháp trong ASEAN - Ảnh 4.

Toàn cảnh các cuộc đối thoại

ĐOÀN BẮC

HLTF về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 đã trình các lãnh đạo ASEAN các thành tố chính của tầm nhìn, với định hướng bao trùm là xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, năng động, bao trùm, có năng lực ứng phó hiệu quả và thích ứng linh hoạt với các chuyển động chiến lược ở khu vực và thế giới.

Nhóm này cũng nêu rõ các xu hướng lớn tác động đến ASEAN và các thách thức ASEAN cần xử lý trong giai đoạn tiếp theo như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khoảng cách phát triển, già hóa dân số... Các đại biểu cũng đề xuất một số bước đi xây dựng văn kiện Tầm nhìn ASEAN sau 2025.

Ghi nhận nỗ lực của HLTF, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nhóm có tư duy đột phá với cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt, từ đó vạch ra những đường hướng chiến lược cho ASEAN phát triển tới 2045. Thủ tướng đề nghị HLTF bám sát 3 đột phá là đột phá trong kết nối, trong thúc đẩy tăng trưởng và trong phát triển con người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.