Thủ tướng: 'Nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên'

Mai Hà
Mai Hà
06/11/2022 12:10 GMT+7

Nói về tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh "nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên".

Sáng 6.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến với các địa phương.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, đánh giá gần nhất của Ủy ban Khẩn cấp (EC) về quy định y tế quốc tế (IHR) cho biết thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19

Nhật bắc

Hầu hết các nghiên cứu đều nhận định tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch, chưa thể xác định việc loại trừ dịch Covid-19. Vắc xin vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.

Chưa thể xác định việc loại trừ dịch Covid-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong kết luận 42 tháng 10.2022, T.Ư vẫn xác định phải phòng, chống dịch Covid-19 tốt hơn nữa để có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo Covid-19 vẫn trong giai đoạn đại dịch.

Ở trong nước, cùng với dịch Covid-19, xuất hiện một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ.

Thủ tướng cũng yêu cầu thảo luận việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là chỉ ra những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, "nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên". Đánh giá việc dịch chuyển nhân lực trong ngành y tế, chỉ rõ số nhân lực dịch chuyển và cả số tuyển mới chứ không chỉ nêu số người xin nghỉ...

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tại Việt Nam đang tiến hành một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vắc xin phòng Covid-19. Hiện chưa có các kết quả chính thức, tuy nhiên có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ sau tiêm để tham khảo và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Theo đó, hiệu quả của vắc xin sau tiêm mũi 3 ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong đạt khoảng 86% (ở tháng thứ nhất). Hiệu quả này giảm dần sau 6 tháng và giảm mạnh từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 (hiệu quả bảo vệ ở tháng thứ 6 còn khoảng 70%). Sau khi tiêm mũi 4 giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong khoảng từ 9 - 28% so với tiêm mũi thứ 3.

Hầu hết các nghiên cứu cũng nhận định rằng tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch, chưa thể xác định việc thanh toán cũng như loại trừ dịch.

Nghị quyết tháo gỡ khó khăn mua sắm thuốc, thiết bị y tế

Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc và thiết bị y tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Nghị quyết 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ: Y tế, KH-ĐT, Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu, sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế thuộc phạm vi quản lý.

Qua đó, xử lý nhanh nhất các vướng mắc, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trường hợp xét thấy cần áp dụng thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, các bộ liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan chuẩn bị việc đề xuất xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược theo trình tự, thủ tục quy định. Trong đó, tập trung vào các nội dung về đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành thuốc theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị mua sắm tập trung, các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với thủ trưởng, đơn vị để tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.