Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không né tránh trách nhiệm

13/11/2008 15:29 GMT+7

Sáng 13.11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề chung trong quản lý vĩ mô thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và Chính phủ. Phiên họp này đã được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Sau đây là những nhận xét, ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri đối với Quốc hội qua phiên chất vấn này.

Năng lực cán bộ là điều cần được Chính phủ đặc biệt quan tâm

Ông Đào Ngọc Đăng, 76 tuổi, cựu chiến binh phường 2, quận 8, TP.HCM bày tỏ: “Theo dõi phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này, người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ để đưa đất nước đi lên. Dù hiện nay còn một vài tồn tại, hạn chế trong sự điều hành của Chính phủ nhưng nếu thiếu niềm tin, sẽ không thể tạo nên sức mạnh để đưa đất nước phát triển”.
 
Theo ông, nhìn một cách tổng quan kinh tế đất nước vẫn tiến triển khá tốt và sự điều hành của Chính phủ như thời gian vừa qua là hợp lý. “Ngay cả ở một vài vụ việc như chủ trương ngừng xuất khẩu gạo cũng xuất phát từ lo cho an ninh lương thực quốc gia, bởi thiếu gạo dự trữ là rất nguy hiểm” - ông Đăng chia sẻ, đồng thời cho rằng vấn đề chính là công tác dự báo, tham mưu cho Chính phủ của bộ, ngành chức năng còn kém; các bộ, ngành còn thiếu sự liên kết chặt chẽ trong hoạt động. Mặt khác, năng lực cán bộ còn yếu, chưa theo kịp với yêu cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành. Do đó, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là vấn đề cần được Chính phủ quan tâm đặc biệt.

Luôn theo dõi các kỳ họp của các khóa Quốc hội, nhất là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Đào Ngọc Đăng cũng cho rằng: Đã có sự chuyển biến rất tốt về nội dung lẫn phương thức tiến hành qua mỗi kỳ họp. “Ở kỳ họp này các đại biểu Quốc hội hỏi rất hay, rất tập trung, đi vào vấn đề, cách hỏi và chất vấn rất thẳng thắn, phát huy tốt và xứng đáng vai trò là đại biểu của dân. Tuy nhiên, nhiều bộ trưởng còn chưa mạnh dạn, né tránh, chưa dám chịu trách nhiệm. Một vài bộ trưởng nhận khuyết điểm nhưng chưa chỉ rõ và nhận rõ nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm đó là do đâu, vì sao”.

Tiến sĩ Mai Văn Bảy, Phó chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam cho rằng: Người đứng đầu Chính phủ đã nắm rất rõ những nhược điểm trong bộ máy quản lý điều hành của Chính phủ qua cách ông trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13.11.

Cũng như nhiều cử tri khác, tiến sĩ Bảy đánh giá điều hành vĩ mô của Chính phủ từ đầu năm đến nay đã có những thành công nhất định về kiềm chế lạm phát, ổn định chính trị; tuy nhiên, những yếu kém về dự báo, định hướng cũng như công tác tham mưu cũng đã bộc lộ khá rõ ràng. “Không thể đòi hỏi 10 chính sách đưa ra đều thành công cả 10, nhưng một Chính phủ mạnh và tự chủ phải có số lượng chính sách thành công cao, thể hiện rõ hiệu quả thực tiễn trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội và những khâu trọng yếu cũng như có phương án điều chỉnh chính sách kịp thời”.

Theo ông, việc các cơ quan tham mưu của Chính phủ bị kêu ca là “yếu” xuất phát từ việc sử dụng không đúng người, đúng việc. “Chúng ta vẫn thiếu một quy tắc về tuyển dụng người tài mặc dù người tài ở Việt Nam không thiếu. Các cơ quan của chính phủ phải mở rộng cửa cho người tài bằng cả phương thức tuyển dụng, môi trường làm việc cũng như mục tiêu làm việc”.

Thủ tướng và các đại biểu Quốc hội không né tránh

Ông Lê Huy, Công ty Tây Hồ, Hà Nội khẳng định, phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ sáng nay thực sự có chất lượng. Các đại biểu không hề né tránh, đều đề cập đến những vấn đề thực sự bức xúc, hết sức thiết thực như vấn đề dự báo, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề điều hành xuất khẩu gạo, vấn đề điện, vấn đề năng lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước… Và Thủ tướng cũng không hề né tránh, đều trả lời trực tiếp vào những vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra. Nội dung trả lời của Thủ tướng ngắn gọn nhưng đầy đủ và sâu sắc, không những giúp cho người dân hiểu được bản chất vấn đề mà còn biết được vấn đề đó được đặt trong bối cảnh cụ thể, trong điều kiện khách quan và chủ quan như thế nào nên có ý nghĩa thực tiễn cao.

Chẳng hạn như vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung và vụ vi phạm của Công ty Vedan nói riêng, rõ ràng ngoài sự bức xúc chung của một người dân, qua sự giải thích của Thủ tướng, chúng tôi hiểu được mục đích của việc xử lý là nhằm làm cho thực hiện đúng quy định của pháp luật, tức là không được gây ô nhiễm môi trường chứ không phải là làm cho doanh nghiệp phá sản… Đó chính là trách nhiệm biết lo cho dân, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên hàng đầu chứ không chỉ là sự bức xúc nhất thời rồi xử lý theo kiểu ''no mất ngon, giận mất khôn''. Theo tôi, các nội dung trả lời của Thủ tướng là ''thấu lý đạt tình'', vừa có tầm bao quát lại vừa có tính thực tiễn cao.

Đại tá Trần Dũng, cựu chiến binh khu tập thể Nam Đồng (Hà Nội) nhận xét: Thủ tướng đã trả lời thẳng thắn, không né tránh trách nhiệm nhưng cũng không hề xuôi chiều theo thái độ của ý kiến chất vấn. Chẳng hạn như có ý kiến chất vấn cho rằng bộ máy hành chính của Nhà nước chỉ “hành dân là chính”, Thủ tướng đã thẳng thắn bác bỏ nhận xét này là không đúng thực tế. Trong thực tế, có lúc có nơi cơ quan hành chính còn gây phiền hà cho dân nhưng không thể vì thế mà ''vơ đũa cả nắm'', phủ nhận toàn bộ hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, coi bộ máy Nhà nước này là xấu cả. Nếu bộ máy hành chính của Nhà nước ta chỉ “hành dân là chính” như lời vị đại biểu nọ thì làm sao Nhà nước lại có thể quản lý được đất nước một cách hiệu quả, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội nói chung và đời sống ngày càng nâng cao cho mỗi người dân nói riêng. Hoặc khi có đại biểu đề nghị Thủ tướng cần đối thoại với trí thức, Thủ tướng cũng trả lời thẳng thắn rằng, hằng ngày, ông vẫn nói chuyện với trí thức, tiếp xúc với trí thức, trao đổi với trí thức bởi Thủ tướng vẫn làm việc với các cán bộ quanh ông và họ cũng đều có trình độ học vấn cao. Ông cũng thường xuyên làm việc với các bộ ngành, các cơ quan nghiên cứu, các Hội đồng khoa học, Hội đồng lý luận và đó chính là đối thoại với trí thức rồi, còn việc trương tấm biển “Thủ tướng đối thoại với trí thức” lên là không cần thiết; vấn đề là ở hiệu quả và ý nghĩa thực tiễn chứ không phải là hình thức.

Làm sáng rõ những vấn đề cử tri cả nước quan tâm

Cử tri Trương Công Anh, trú tại Khối 17 phường Hà Huy Tập, TP Vinh (Nghệ An) cho rằng: những vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu lên đều là những vấn đề bức xúc, thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước như: công tác xuất nhập khẩu, tăng nội siêu, giảm nhập siêu; các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; phát triển kinh tế nhiều thành phần, tình hình dự báo… Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được Thủ tướng trả lời rõ ràng, nhiều thông tin và có những biện pháp cụ thể, góp phần làm sáng rõ những vấn đề cử tri cả nước quan tâm.

Không phải chuyện gì cũng đổ cho Thủ tướng

Đông đảo cử tri đất mũi Cà Mau đặc biệt quan tâm theo dõi phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cử tri Phạm Tuấn Kiệt, phường 7, TP Cà Mau bày tỏ: Thủ tướng đã nắm rất chặt tình hình các mặt kinh tế xã hội, đồng thời đi sâu làm rõ nhiều vấn đề mà cử tri cũng như nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo ông, là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng là người chịu trách nhiệm trước tiên về những yếu kém trong điều hành nền kinh tế đất nước. Nhưng phải công tâm mà nói, dưới Thủ tướng còn có các phó thủ tướng, các bộ trưởng - thành viên Chính phủ, mỗi người đều chịu trách nhiệm lĩnh vực do ngành mình phụ trách, cho nên chuyện của ngân hàng, chuyện của nông nghiệp, chuyện của địa phương không phải chuyện nào cũng hỏi Thủ tướng, mà trước hết phải hỏi bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.

Cử tri Trần Văn Nghiệp, cư ngụ số 3, phường 4, TP Cà Mau cho rằng: Phát biểu của Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng làm cho nhân dân cả nước có thêm nhiều thông tin chính xác về tình hình thế giới cũng như tình hình đất nước. Theo ông Nghiệp, cần xác định vai trò trách nhiệm cụ thể của các bộ trưởng, vì đây là các cơ quan có chức năng tham mưu cho Thủ tướng, nếu tham mưu sai lĩnh vực nào thì bộ trưởng đó phải chịu trách nhiệm, chứ không phải Thủ tướng.

Ý kiến chất vấn chất lượng hơn

Cử tri Cao Bằng đánh giá cao chất lượng những câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm như: điều hành kinh tế vĩ mô, xuất nhập khẩu, tình trạng ô nhiễm môi trường, các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo...

Theo ông Lý Văn Súng, cựu chiến binh xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra những câu hỏi tương đối ngắn gọn, xúc tích với nội dung phản ánh nhiều vấn đề nóng của xã hội và đất nước. Phần trả lời chất vấn được Thủ tưởng trình bày một cách thấu tình, đạt lý, phân tích đúng thực trạng chủ quan và khách quan, không có sự né tránh trách nhiệm. Là một người dân đang sinh sống tại một tỉnh nghèo như Cao Bằng, tôi rất tâm đắc với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) về việc xóa đói giảm nghèo trong tình hình lạm phát như hiện nay. Và tôi cũng hết sức vui mừng khi Thủ tướng khẳng định sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo bền vững và nhất là việc tập trung xóa đói giảm nghèo tại các huyện nghèo nhất của cả nước ngay trong năm 2009.

Chị Nông Thị Bích Thìn, dân tộc Tày, ở thị xã Cao Bằng cho rằng: "Thủ tướng đã thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình trong công tác điều hành Chính phủ, nhất là trong công tác tham mưu dự báo tình hình kinh tế đất nước. Đặc biệt, những vấn đề lớn được nhiều cử tri quan tâm như: cải cách hành chính, bảo vệ môi trường... cũng được Thủ tướng giải thích tương đối rõ ràng".

Đại tá Huỳnh Năm, Cựu chiến binh phường Tân Lập, Nha Trang (Khánh Hòa) nhận xét: Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho cử tri cả nước biết rõ tình hình suy giảm của kinh tế thế giới hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nước nhà, hướng đối phó và khắc phục với tình hình trên của Chính phủ, làm cho cử tri cả nước yên tâm hơn với tình hình hiện nay. Ông cũng đánh giá cao trả lời chất vấn của Thủ tướng là: đầy đủ, rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, ông cho rằng một số đại biểu đặt câu hỏi chưa rõ ràng, dài dòng, dàn trải và nặng về lập luận, giải thích hơn là đặt câu hỏi. Một số đại biểu hỏi nội dung còn trùng lặp khi Thủ tướng đã trả lời khá cụ thể và đầy đủ rồi vẫn tiếp tục hỏi như vấn đề xóa đói giảm nghèo, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, vấn đề xử lý môi trường ô nhiễm hiện nay... Điều này làm mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất vấn của các đại biểu khác.

Dược sĩ Nguyễn Thị Nhị, cán bộ hưu trí, cử tri phường Phước Hòa (Nha Trang) cho biết, bà rất tâm đắc với bài phát biểu giải trình và những ý kiến trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp Quốc hội sáng nay. Theo bà, chưa bao giờ việc chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và các bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ lại thẳng thắn và cởi mới như lần này. Nhiều chất vấn và trả lời chất vấn được trao đổi qua lại trực tiếp mang tính tranh luận mà không phải chuẩn bị văn bản như trước đã làm cho không khí và nội dung các cuộc chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi và hào hứng, thu hút hàng triệu cử tri cả nước theo dõi qua màn hình hoặc trên sóng phát thanh. Các chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã hạn chế rất nhiều việc hỏi một đằng trả lời một nẻo như trước đây. Nhìn chung, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn lần này chất lượng hơn, mang tầm quốc gia hơn.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.