(TNO) Khẳng định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm 2012 của ngành ngân hàng (NH) phải kiềm chế, giữ lạm phát dưới 10%, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải nhanh chóng có giải pháp giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN).
Tham dự Hội nghị ngành NH năm 2012 sáng 17.12, Thủ tướng cho biết, dù năm 2011 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao đe dọa bất ổn kinh tế vĩ mô nhưng ngành NH đã có những đóng góp thiết thực vào thành công chung của đất nước. Điều này được thể hiện thông qua tỷ giá đã ổn định, lạm phát trong 5 tháng liên tiếp từ tháng 8 tăng không quá 1%. Mọi năm cán cân thanh toán tổng thể liên tục bị âm, nhưng năm nay đã thặng dư khá, dự trữ ngoại tệ tăng cao hơn so với năm 2010…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu hoạt động NH trong năm qua còn những hạn chế, yếu kém nhất định, trong đó có nguyên nhân từ điều hành chính sách và quản lý nhà nước chưa được tốt. Phần lớn NH thương mại hoạt động hiệu quả, nhưng một số tổ chức nợ xấu cao, thanh khoản khó khăn, hoạt động yếu kém.
“Những khó khăn này không lớn nhưng đe dọa tới sự ổn định toàn hệ thống, tới nền kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Vì vậy trong năm tới phải giải quyết bằng được, không thể để hệ thống tiềm ẩn rủi ro, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ đổ vỡ vì một số NH yếu kém”, Thủ tướng nói.
|
Trong năm 2012, Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm giữ lạm phát dưới 1 con số, khoảng 9%, GDP tăng trưởng khoảng 6%, do đó Ngân hàng Nhà nước phải tập trung vào nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phải ban hành thể chế, quy chuẩn đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả.
Mặt khác, không được để thể chế lỏng lẻo, sơ hở dẫn tới hoạt động NH mất thanh khoản, nợ xấu.
“NH huy động lãi suất cao, lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Huy động tiền của nhân dân, nhưng lại lấy tiền đó cho các cổ đông sáng lập, cổ đông lớn vay, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán thì làm sao an toàn được. Trách nhiệm trước hết là ở ban quản trị các NH này, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng phải nhìn nhận thẳng thắn xem trách nhiệm của mình tới đâu để sửa chữa khuyết điểm”, Thủ tướng lưu ý.
Nhiệm vụ thứ hai Thủ tướng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đưa các NH vào hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, không được lách luật, làm trái quy định. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra được chiến lược phát triển hệ thống, không thể để các NH kéo hết lên các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Thủ tướng nhấn mạnh, nền kinh tế chủ yếu gồm các DN vừa và nhỏ, hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh nên vốn phải tập trung vào các đối tượng này, tránh trường hợp như Agribank mở hàng chục chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM rồi hoạt động huy động, cho vay không mang lại hiệu quả.
Điều hành căn cơ lãi suất
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải điều hành căn cơ về lãi suất. Trong năm qua ngành NH đã để lại bài học lớn về hành vi vượt trần lãi suất, gây rối loạn thị trường. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu phải kiểm soát được lãi suất liên NH không được để tăng quá cao.
“Trong bối cảnh khó khăn các NH phải hỗ trợ nhau, chứ không thể cho nhau vay với lãi suất lên tới 40 - 50% như thời gian qua được”, Thủ tướng đặc biệt lưu ý.
Trong năm 2012, có kiểm soát được lạm phát hay không theo Thủ tướng Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng thông qua việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp.
Thủ tướng đồng tình với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm tới ở mức 15 - 17%, tổng phương tiện thanh toán 14 - 16% để kiềm soát lạm phát, nhưng NH phải nhanh chóng tập trung giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng GDP 6%, tránh việc không đạt được gây thất nghiệp, ảnh hưởng an sinh và phúc lợi xã hội. Việc này, theo Thủ tướng là hoàn toàn có cơ sở từ thị trường chứ không phải mệnh lệnh hành chính, bởi lạm phát 5 tháng vừa qua tăng không quá 1%, nếu tiếp tục kiểm soát và có chính sách điều hành tốt thì lãi suất cho vay sẽ phải giảm xuống.
Về hoạt động tái cơ cấu NH, Thủ tướng khẳng định, tái cơ cấu mục tiêu lớn hơn là để hệ thống hoạt động lành mạnh, tốt lên đủ sức đáp ứng sức phát triển của nền kinh tế chứ không phải vì một số NH yếu kém. Nhưng khi làm phải làm thật sự, có hiệu quả chứ không phải tái cơ cấu xong mấy NH yếu, sau này lại sinh ra các NH khác yếu kém hơn.
Bên cạnh đó, các NH thương mại quốc doanh cũng phải thay đổi để làm nòng cốt cho hệ thống, muốn vậy hoạt động của các NH này cũng phải tốt hơn.
Tới đây Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước làm chủ sở hữu 5 NH quốc doanh, trực tiếp đề ra chiến lược phát triển các NH này, chứ không thể giao hoàn toàn cho ban quản trị của các NH như cũ.
Đối với các NH thương mại cổ phần, Thủ tướng đề nghị mỗi NH phải tự mình tái cơ cấu mạnh hơn, hiệu quả hơn vì không ai có thể làm thay được. Nhà nước tạo hành lang pháp lý để NH hoạt động lành mạnh, nhưng các NH không thể để tồn tại tình trạng lấy tiền toàn xã hội để đầu tư BĐS, chứng khoán, đến khi thị trường trầm lắng không thu hồi được nợ, không có tiền trả cho người dân.
“Hoạt động kinh doanh nào cũng phải có lợi nhuận, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật. Không nên dùng các thủ thuật, lách quy định chạy theo lợi ích riêng, làm ảnh hưởng tới toàn hệ thống. Các NH làm sai thì trước khổ cho chính NH mình, sau là tới nền kinh tế và người dân”, Thủ tướng khẳng định.
Anh Vũ
Bình luận (0)