Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Xây đảo nhân tạo ở Biển Đông gây xói mòn lòng tin

21/11/2015 15:19 GMT+7

'Việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông đang gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng, xói mòn lòng tin,... có thể dẫn đến nguy cơ xung đột trên biển...'

'Việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông đang gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng, xói mòn lòng tin,... có thể dẫn đến nguy cơ xung đột trên biển...'

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu như trên tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 27 vừa khai mạc sáng nay, 21.11, tại Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia, với sự tham dự của lãnh đạo 18 nước gồm 10 nước ASEAN và Úc, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, New Zealand.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhấn mạnh sự hình thành cộng đồng ASEAN 2015 là một bước tiến lịch sử trọng đại, sẽ chuyển biến Đông Nam Á từ khu vực nghèo nàn, chia rẽ, bất ổn thành Cộng đồng thịnh vượng, hợp tác và hoà bình.
“ASEAN ngày nay là khu vực hoà bình có nền kinh tế gắn kết với tổng GDP là 2.600 tỉ USD, tăng 80% trong bảy năm qua. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tạo điều kiện cho người dân các nước thành viên tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hoá, xoá bỏ thuế quan, giảm tỉ lệ thất nghiệp”, ông Najib nói.
Sau lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên họp toàn thể Hội nghị thượng đỉnh. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và ba kế hoạch tổng thể triển khai Tầm nhìn trên ba trụ cột với chủ đề : "ASEAN 2025 : Cùng vững vàng tiến bước".
Tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc phát huy xung lực mới cũng như các giá trị và phương cách ASEAN, kết hợp hài hoà lợi ích quốc gia và lợi ích chung của ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là xử lý những thách thức lớn đối với hoà bình, an ninh và phát triển khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, các lãnh đạo ASEAN tiếp tục quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp đang xảy ra, nhất trí cần phát huy vai trò ASEAN trong việc xử lý vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, kêu gọi các bên tự kiềm chế và không có các hành động gây phức tạp tình hình hoặc làm gia tăng căng thẳng.
“Một trong những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất đối với khu vực là diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông. Việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông đang gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, và có thể dẫn đến nguy cơ quân sợ hoá và xung đột trên biển”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Theo thủ tướng, việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN cũng như các nước trong và ngoài khu vực. “Việt Nam đề nghị ASEAN cùng Trung Quốc cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hoá ở Biển Đông”, thủ tướng đề nghị tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường VN

Cũng trong sáng 21.11, bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp đại diện thương mại Mỹ, Đại sứ Michael Froman.

 

Tại buổi gặp mặt, thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam quyết tâm tiếp tục triển khai chính sách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập về kinh tế, thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh đó, thủ tướng cũng đề nghị Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

 

Đáp lại, phía Mỹ đánh giá cao quá trình hợp tác giữa hai Đoàn đàm phán và coi việc kết thúc đàm phán TPP là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước trong khu vực. Mỹ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nước để sớm đi đến kí kết, đưa Hiệp định TPP vào thực thi. Ngoài ra, phía Mỹ khẳng định sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kĩ thuật cần thiết để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.