Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP.HCM: 'Nếu có khó khăn phải tháo gỡ'

Đình Phú
Đình Phú
20/07/2020 16:16 GMT+7

Ngày 20.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với TP.HCM về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư.

Đoàn công tác của Chính phủ còn có Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; các Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các Bộ ngành T.Ư…
Về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2020, UBND TP.HCM đã giao và phân bố chi tiết với tổng số vốn hơn 41.691 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách TP hơn 33.940 tỉ đồng, vốn ngân sách T.Ư hơn 7.751 tỉ đồng.
Tính đến ngày 15.7, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỉ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ (tính đến hết tháng 7.2019 giải ngân là 7.717 tỉ đồng, đạt 23% kế hoạch vốn giao là 33.771 tỉ đồng).

Nhiều dự án trọng điểm bị tắc

Theo ông Nguyễn Thành Phong, với vai trò là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước, TP xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn, bởi lẽ nếu TP giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung.
Mặc dù hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc; nhưng trong quá trình thực hiện vừa qua, TP cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, có các dự án trọng điểm, như: tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (vướng mắc trong việc xác định chính xác giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách T.Ư, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn cho dự án); xây dựng tuyến metro Bến Thành - Tham Lương (liên quan thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng; dự kiến thực hiện giải ngân trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỉ đồng).

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (đứng) báo cáo và nêu kiến nghị tại buổi làm việc

TTBC TP.HCM

Ngoài ra, nhiều dự án trọng điểm khác về hạ tầng chưa thể triển khai do còn vướng thủ tục, pháp lý đầu tư… như: dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (đi qua 2 địa bàn TP.HCM và tỉnh Tây Ninh với chiều dài khoảng 50 km; vốn đầu tư hơn 13. 614 tỉ đồng); dự án Quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2)…
Nếu tiến độ các dự án trọng điểm như: tuyến Vành đai 2 đến nay mới chỉ khép kín 50,2 km/64,1 km, Vành đai 3 mới chỉ đầu tư được 16,3 km/89,3 km (18%) và Vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

Cần phải tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công để TP.HCM giải quyết việc làm, tăng trưởng cao hơn. Chúng ta không bàn trung hạn, dài hạn mà nói những vấn đề cần tập trung chỉ đạo để TP.HCM vượt lên. Trong đó có đầu tư tư nhân và nhà nước, nếu có khó khăn phải tháo gỡ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

TP.HCM cũng xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao các Bộ ngành sớm có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục thực hiện chủ trương bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng Khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục bắc - nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm phù hợp với các quy định liên quan.

Cần có đầu mối tiếp nhận xử lý và hướng dẫn

Để góp phần đẩy nhanh việc tháo gỡ các vướng mắc để nhiều dự án trọng điểm có ảnh hưởng đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM sớm thoát khỏi tình cảnh “đứng bánh”, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư bằng tiền hoặc bằng quỹ đất tại thời điểm quyết toán dự án BT (sau khi đã xác định chính xác giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán trước đó) đảm bảo theo quy định hiện hành và hài hòa lợi ích của các bên trong hợp đồng BT.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng giao một cơ quan đầu mối tiếp nhận xử lý và hướng dẫn TP trình tự đề xuất Thủ tướng quyết định việc sử dụng quỹ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT.

Xem xét, nghiên cứu mở cơ chế cho TP.HCM phát triển

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, TP.HCM đã tập trung nhiều công sức để xây dựng quy chế… TP.HCM có nhiều cố gắng tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do đây là TP mà tỷ trọng dịch vụ chiếm hơn 60% GDP, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều mặt nên tăng trưởng chỉ ở mức 1,02% trong 6 tháng đầu năm 2020. Điều này ảnh hưởng đến TP và cả nước vì TP chiếm tỷ lệ GDP cao của cả nước.
b

Bức tranh kinh tế TP.HCM 6 tháng đầu năm 2020 nhìn từ những con số

Đánh giá có những việc chậm trong giải ngân đầu tư công, và trước tình hình khó khăn về tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành lắng nghe và tập trung phối hợp giải quyết các kiến nghị của TP.HCM, nhằm tránh cho các dự án bị tắc, chậm, trì trệ...
Nhấn mạnh yêu cầu không để thất thoát, tham ô, tiêu cực, lãng phí, nhưng với những dự án BT, BOT… có liên quan đến thanh toán bằng quỹ đất…, Thủ tướng cho rằng cần xem xét, nghiên cứu mở cơ chế cho TP.HCM để kinh tế TP tăng trưởng vượt lên, nhất là các ngành mũi nhọn của TP vào giai đoạn cuối năm cũng như các năm tiếp theo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.