Chiều 31.8, Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình nhà ga hành khách và đường băng cất hạ cánh của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) của giai đoạn 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự và bấm nút khởi công 2 công trình. Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các đơn vị thi công phải phấn đấu vượt tiến độ; nâng cao chất lượng công trình. Dứt khoát không được để đội vốn, không chia nhỏ gói thầu, làm manh mún dự án, khó quản lý, giảm hiệu quả của dự án. Đồng thời phải đảm bảo an toàn kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong triển khai dự án tại tất cả các khâu. Phải đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà nước.
Chính thức khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành
Theo ACV, nhà ga hành khách và đường băng cất hạ cánh là 2 công trình quan trọng, có giá trị lớn của dự án sân bay Long Thành.
Cụ thể, công trình nhà ga hành khách giá trị lên đến hơn 35.000 tỉ đồng, thời gian thi công 39 tháng, là gói thầu có giá trị lớn và có tính chất phức tạp nhất hiện nay.
Đơn vị trúng thầu là Liên danh VIETUR gồm: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng IC Ictas (thành viên đứng đầu Liên danh); Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons; Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons; Công ty CP Đầu tư xây dựng SOL E&C; Công ty CP Kết cấu ATAD; Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP; Công ty CP HAWEE cơ điện; Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP.
Nhà ga được thiết kế theo hình ảnh hoa sen, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, tổng diện tích sàn 376.451,32m2; chiều cao đỉnh mái 45,55m; bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay.
Còn công trình đường băng cất hạ cánh có trị giá 7.308 tỉ đồng, thời gian thi công 700 ngày. Công trình gồm các hạng mục sân đường khu bay với đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, rộng 45m; hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3 ha; 4 sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4 ha.
Ngoài ra còn các hạng mục hạ tầng giao thông đi kèm như: Hệ thống đường công vụ khu bay có tổng chiều dài 29,67 km; hệ thống thoát nước mưa khu bay; hệ thống đèn hiệu sân bay (AGL); hệ thống chiếu sáng sân đỗ tàu bay (AFL); hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác - ILS/DME đạt tiêu chuẩn CAT II; hạng mục băng ống và hố ga để lắp đặt cáp cho hệ thống cấp điện nguồn và ICT. Ngoài ra có các công trình phụ trợ như: hệ thống hàng rào an ninh khu bay, bốt gác để đảm bảo công tác an ninh, ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài.
Khi hoàn thành giai đoạn 1, sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến sân bay Long Thành sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.
Sân bay Long Thành có diện tích 5.000 ha, trong đó đất xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay là 2.750 ha; đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha; đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác 1.200 ha.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,3 tỉ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Bình luận (0)