Đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sân bay TP.Nam Ninh có Thường vụ Khu ủy, Trưởng ban Tổ chức Khu ủy Quảng Tây Vương Duy Bình; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba; Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Tây Chu Đồng; Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Đỗ Nam Trung; Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh Ninh Thành Công và đông đảo người Việt tại Nam Ninh.
Trong ngày làm việc đầu tiên tại Nam Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, tiếp Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Nhân đại Khu tự trị Lưu Ninh. Thủ tướng cũng sẽ tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ và xây dựng của Trung Quốc.
Chuyến đi Trung Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc để tham dự CAEXPO và CABIS lần thứ 20 được đánh giá mang nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, CAEXPO là hoạt động hợp tác đa phương giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó Trung Quốc đóng vai trò là nước chủ nhà đăng cai tổ chức. CAEXPO là nền tảng quan trọng thúc đẩy tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, góp phần xây dựng và phát triển khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.
Thứ hai, đây là hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN, kỷ niệm 20 năm CAEXPO và CABIS. Đây cũng là kỳ hội chợ đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau đại dịch Covid-19.
Sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, do đó, thể hiện sự đặc biệt coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế hội chợ nói chung và dịp kỷ niệm 20 năm CAEXPO và CABIS nói riêng, góp phần tăng cường hợp tác thực chất giữa ASEAN và Trung Quốc.
Năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỉ USD (tăng 5,47%). Trong đó, xuất khẩu của ta đạt 57,7 tỉ USD (tăng 3,18%); nhập khẩu đạt 117,86 tỉ USD (tăng 6,63%); Việt Nam nhập siêu 60,17 tỉ USD (tăng 10,18%).
Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỉ USD, tăng 2,1% (thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 19,7% năm 2021). Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 87,9 tỉ USD, giảm 4,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỉ USD, tăng 6,8%; Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 59 tỉ USD.
Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Trong 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,5 tỉ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 36,6 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 16% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 68,8 tỉ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 33,1% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là 32,2 tỉ USD, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Về đầu tư, trong 8 tháng năm nay, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỉ USD với 399 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau Singapore). Lũy kế đến ngày 20.8, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.949 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25,8 tỉ USD.
Bình luận (0)