Thủ tướng đến Ả Rập Xê Út để bắt đầu tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (FII) lần thứ 8 và thăm nước này, theo lời mời của Hoàng thái tử, Thủ tướng Vương quốc Ả Rập Xê Út Mohammed Bin Salman.
Đối tác quan trọng
Việt Nam và Ả Rập Xê Út là hai nền kinh tế phát triển năng động ở hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông, đều đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai quốc gia không ngừng được củng cố và phát triển kể từ thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 10.1999).
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Ả Rập Xê Út là thị trường lớn và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại Trung Đông. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước thời gian qua phát triển tích cực. Trong giai đoạn 2019 - 2023, tổng trao đổi thương mại song phương tăng trưởng liên tiếp qua các năm, bình quân đạt trên 2,2 tỉ USD/năm.
Trong cán cân thương mại hai chiều, Việt Nam là nước nhập siêu.
Tính đến hết quý 3/2024, tổng trao đổi thương mại song phương đạt hơn 2,2 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt xấp xỉ 1,18 tỉ USD, tăng 39% và nhập khẩu đạt trên 1 tỉ USD.
Thị trường Ả Rập Xê Út có nhu cầu nhập khẩu lượng hàng lớn nông sản, rau và quả tươi, trong đó có gạo. Hằng năm nước này nhập khoảng 1,7 triệu tấn gạo, nhưng hiện nay, mỗi năm Việt Nam chỉ mới xuất khẩu khoảng 35.000 tấn gạo vào thị trường này, do đó tiềm năng thị trường còn rất lớn. Chưa kể, các doanh nghiệp Ả Rập Xê Út muốn nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam không phải qua bên thứ ba để giảm chi phí, giá thành.
Cùng với gạo, Ả Rập Xê Út cũng tiêu thụ rất nhiều loại rau, củ, quả tươi được nhập khẩu từ các nước như: Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Úc, Jordan, Yemen, một phần nhỏ từ Việt Nam (như: chanh leo, chanh không hạt, bưởi da xanh, thanh long, ổi, dừa tươi, mì gói...)...
Ngoài ra, người tiêu dùng tại Ả Rập Xê Út cũng ưa chuộng các loại cà phê, hạt, gia vị, hải sản tươi (như tôm, cá, mực và cá ngừ đóng hộp)... từ thị trường Việt Nam.
Tính tới hết tháng 12.2023, cộng đồng người Việt Nam tại Ả Rập Xê Út có khoảng 4.000 người, chủ yếu là lao động được các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam đưa sang làm việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phát biểu tại FII
Tại Ả Rập Xê Út, Thủ tướng sẽ tham dự và phát biểu tại FII lần thứ 8, cùng với các nhà lãnh đạo thế giới cũng như nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực tài chính và kinh tế.
Giám đốc điều hành Viện FII Richard Attias cho biết FII năm nay có 7.100 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đã đăng ký tham dự. Trong những năm gần đây, FII đã nổi lên như một trong những hội nghị hàng đầu trong lĩnh vực tài chính.
Ngoài các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, FII8 sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo và những người ra quyết định về trí tuệ nhân tạo (AI), tính bền vững, năng lượng, địa kinh tế và không gian. Hơn 200 phiên thảo luận chuyên đề và thảo luận toàn thể sẽ diễn ra trong khuôn khổ hội nghị để thảo luận về các vấn đề liên quan đến ổn định kinh tế, căng thẳng địa chính trị và phát triển công bằng.
FII năm nay cũng sẽ chứng kiến các cuộc thảo luận về cách đầu tư có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho một tương lai thịnh vượng và bền vững.
Ông Richard Attias cho biết các thỏa thuận có tổng trị giá 28 tỉ USD dự kiến sẽ được công bố nhân sự kiện này. Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, Viện FII đã tổ chức các sự kiện thường niên tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út.
Bình luận (0)