Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đông Nam bộ cần phát triển tăng tốc, đột phá

Hoàng Giáp
Hoàng Giáp
05/05/2024 16:07 GMT+7

Kết luận tại Hội nghị Hội đồng điều phối miền Đông Nam bộ lần thứ 3 hôm nay 5.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tập trung triển khai quy hoạch để vùng Đông Nam bộ phát triển tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng của vùng Đông Nam bộ. Vùng có diện tích chiếm 7,1% và dân số chiếm 18,9% cả nước nhưng đã đóng góp lớn, quan trọng cho cả nước, nhất là về các động lực tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trao Quyết định quy hoạch vùng cho lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam bộ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trao Quyết định quy hoạch vùng cho lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam bộ

SỞ TT-TT TÂY NINH

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính vùng Đông Nam bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế, còn nhiều điểm nghẽn, hạn chế, bất cập cần giải quyết. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững nhưng chưa nhanh. Phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa chưa tương xứng với truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng của vùng "Thành đồng Tổ quốc". Hạ tầng liên kết giữa nội vùng và các vùng khác còn hạn chế. Ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập úng vẫn là vấn đề lớn. Việc hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương còn vướng luật Ngân sách, cần phải tư duy bứt phá để tháo gỡ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đông Nam bộ cần phát triển tăng tốc, đột phá- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

SỞ TT-TT TÂY NINH

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch, sẽ mở ra tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới trong bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ cũng như cả nước. Khi cơ chế, chính sách ưu tiên cộng hưởng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng thì vùng Đông Nam bộ sẽ phát triển mạnh mẽ.

Cùng với đó, phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức) và đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện hơn 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực).

Thủ tướng cũng lưu ý, cần huy động nguồn lực tổng thể, bao gồm nguồn lực T.Ư, nguồn lực địa phương, nguồn lực xã hội, nguồn vốn FDI, vốn hợp tác công tư, các cơ chế đổi mới, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư và mọi nguồn lực của xã hội.

"Vùng phải có hạ tầng chiến lược phát triển nhanh, hiện đại; thúc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển dựa vào khoa học công nghệ; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, bổ sung các động lực tăng trưởng mới. Triển khai đồng bộ, toàn diện hơn 3 đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng và hoàn thiện thể chế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của vùng như thương mại điện tử, trung tâm logistics tầm cỡ khu vực, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM…

Ưu tiên đầu tư các dự án có tính lan tỏa lớn

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần phải ưu tiên đầu tư các dự án có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng như cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đô thị thông minh…

"Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề của vùng, liên tỉnh, thành phố trong vùng; nghiên cứu việc xây dựng các quỹ, cơ chế để hỗ trợ các dự án lớn, quan trọng của vùng Đông Nam bộ", Thủ tướng phát biểu.

Vòng xoay 30 Tháng 4 TP.Tây Ninh

Vòng xoay 30 Tháng 4 TP.Tây Ninh

HOÀNG GIÁP

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, dự thảo kết luận của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện quy hoạch, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp gắn với cơ quan chủ trì và thời hạn hoàn thành.

Thủ tướng cũng phân công cụ thể các phó thủ tướng, các bộ trưởng, địa phương, với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đưa vùng Đông Nam bộ - "Thành đồng Tổ quốc" trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếp tục phát huy vai trò "Thành đồng Tổ quốc" trong phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới...

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối miền Đông Nam bộ lần thứ 3 vào ngày 5.5, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Qua hơn 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị, vùng Đông Nam bộ đã đạt được những kết quả tích cực".

Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ năm 2023 cao hơn mức bình quân chung cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06% so với mức tăng 5,05% của cả nước; quy mô GRDP của vùng đóng góp vào GDP cả nước lớn nhất (chiếm 30,2% GDP), GRDP bình quân đầu người (đạt 166 triệu đồng), thu ngân sách nhà nước (675.000 tỉ đồng), thu hút đầu tư nước ngoài có 4/6 địa phương trong vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Dù vậy, hiện hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ còn chưa đồng bộ; ngập úng và ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, quá tải về hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường,… vẫn là điểm nghẽn của sự phát triển; khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh việc triển khai quy hoạch cần được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật, nhằm thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia; tiếp tục tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại, bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia đang triển khai, sớm đưa các dự án vào khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.