Ngày 25.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An.
Long An là địa phương thứ 10 trong cả nước và là tỉnh đầu tiên khu vực phía nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 686/QĐ-TTg năm 2023).
Tham dự sự kiện quan trọng này của tỉnh Long An còn có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT; ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ TN-MT; ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan T.Ư và địa phương trong vùng; hàng trăm đại biểu là doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Long An có những cách làm sáng tạo
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Long An là vùng đất "địa linh nhân kiệt" và trong mọi giai đoạn phát triển của lịch sử, thời điểm nào, người Long An cũng có những đóng góp quan trọng với những cách làm đầy sáng tạo trong phát triển đất nước.
Thủ tướng nhận định, Long An là trung tâm kết nối các hành lang kinh tế vùng giữa miền Đông và Tây Nam bộ với TP.HCM, hành lang kinh tế trục Bắc - Nam và vành đai kinh tế ven biển. Một "tài nguyên" quan trọng khác của tỉnh Long An là những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm phong phú sau 30 năm đổi mới.
Về giải pháp thực hiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở Long An phải triển khai gắn kết chặt chẽ với các quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt; đặc biệt phải ưu tiên bố trí nguồn lực đồng bộ, hiệu quả để có không gian phát triển theo mô hình "1 trung tâm, 2 hành lang, 3 vùng kinh tế - xã hội, và các trục động lực phát triển kinh tế".
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Long An cần triển khai tổng hòa từ các nguồn lực trong đầu tư công, hợp tác công - tư, nguồn lực từ doanh nghiệp và người dân. Trong đó, phải lấy đầu tư công kích thích nguồn đầu tư tư nhân để kích hoạt hết các nguồn lực của xã hội để tạo động lực phát triển mạnh mẽ nhất. Ngoài ra, Long An cần hết sức chú trọng liên kết với các vùng, liên kết với các tỉnh, thành lân cận trong khu vực và giữa các hành lang kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, chuyển đổi, xanh, phát triển kinh tế xanh, góp phần chống biến đổi khí hậu…
Song song đó, Long An cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lượt, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa. Rà soát lại tất cả thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển mà không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng hơn cho đầu tư cho giáo dục đào tạo, đào tạo. Bởi, dù các nguồn lực có tốt mà nhân lực chưa tốt thì cũng khó có thể phát triển được. Đồng thời nâng cao công tác đối ngoại, do Long An là tỉnh có đường biên giới dài đến 135 km giáp Vương quốc Campuchia.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thực địa kiểm tra việc thi công tại công trường Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua tỉnh Long An, nằm trên địa bàn H.Bến Lức, dài 6,84 km.
Tại công trường, Thủ tướng lưu ý tỉnh Long An trong việc giải phóng mặt bằng, khuyến khích tái định cư tại chỗ, nếu không thì phải tái định cư sao cho người dân hài lòng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đến thăm một số hộ gia đình có công với cách mạng và viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An.
Bình luận (0)