Thủ tướng nhắc đến sự tương đồng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, sự tương đồng về đặc trưng hai nước; sự tương đồng gần gũi về tư duy, mô hình phát triển, giá trị con người.
Qua quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng nhắc tới 5 bài học kinh nghiệm quý báu của Việt Nam.
Đó là kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là "nhân dân làm nên lịch sử", sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, do dân, vì dân. Đó là "đoàn kết tạo nên sức mạnh", đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Đó là "kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại", sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài. Và đặc biệt, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhắc lại quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam. Việt Nam đã đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trên tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức; động lực bắt nguồn từ đổi mới sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp".
Nhờ đó mà từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập và vươn lên đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
"Tăng trưởng GDP hàng năm đạt bình quân khoảng 6,5% trong gần 4 thập kỷ vừa qua (GDP bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên khoảng 4.100 USD), đưa Việt Nam vào top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút FDI", Thủ tướng cho biết.
Từ đầu năm đến nay, trước tình hình thế giới có nhiều khó khăn, Việt Nam tiếp tục đạt được mục tiêu tổng quát: kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát trong giới hạn an toàn.
Chính trị - xã hội ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao (tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn dưới 2%). Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Theo Thủ tướng, Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện với Brazil, đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Mỹ Latinh. "Tôi rất mừng, nhất là qua trao đổi với ngài Tổng thống Brazil, hai nước đang cùng quyết tâm làm sâu sắc hơn, đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới", ông nói.
Việt Nam mong muốn Brazil thúc đẩy sớm khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - MERCOSUR. Việt Nam và Brazil sẽ là cầu nối đắc lực của nhau trong hợp tác với ASEAN và MERCOSUR, giữa ASEAN với MERCOSUR cũng như các tổ chức khu vực khác.
Đẩy mạnh kết nối du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, tăng cường trao đổi giữa các địa phương, các tổ chức hữu nghị hai nước để thắt chặt tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết giữa hai dân tộc.
Việt Nam mong muốn Brazil tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy các giá trị phát triển tại các diễn đàn toàn cầu.
Bình luận (0)