Thủ tướng: Qua lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, cử tri kỳ vọng Chính phủ nhiều hơn nữa

Mai Hà
Mai Hà
04/11/2023 13:53 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, qua lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, cử tri kỳ vọng ở Chính phủ nhiều hơn nữa.

Sáng 4.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. 

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng năm nay cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét trên cả 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Thủ tướng: Qua phiếu tín nhiệm, Quốc hội, cử tri kỳ vọng Chính phủ nhiều hơn nữa - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 4.11

NHẬT BẮC

Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. 

Đáng chú ý, cuối tháng 10, Thủ tướng đã khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), thu hút 41 quỹ đầu tư cam kết đầu tư 1,5 tỉ USD trong 3 năm 2023 - 2025.

Dù kinh tế có nhiều điểm tích cực, song theo Bộ trưởng KH-ĐT, khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh, tác động đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tạo sức ép lớn lên công tác quản lý, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, các cân đối lớn về NSNN, đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội...

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tháng 10 vừa qua có rất nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng, đặc biệt là Hội nghị T.Ư lần thứ 8 thành công rất tốt đẹp, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, hoạt động đối ngoại sôi động…

"Qua lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, cử tri mong muốn và kỳ vọng ở Chính phủ nhiều hơn nữa. Vì vậy, chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực nhiều hơn nữa", Thủ tướng nêu.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm: Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất

Thủ tướng cũng chỉ rõ, trong tháng 10, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi với các yếu tố rủi ro gia tăng về cả kinh tế, chính trị, xã hội, tác động lớn trên quy mô toàn cầu.

Cạnh đó, nền kinh tế tiếp tục chịu tác động dịch Covid-19 kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược, địa kinh tế gia tăng; xung đột tại Ukraine khó đoán định, xuất hiện thêm xung đột tại Dải Gaza.

Lạm phát ở nhiều nước tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao; biên độ giá cả lương thực và năng lượng dao động lớn. Giá dầu tháng 9, tháng 10 dao động trong khoảng 81 - 90 USD/thùng, trong khi 8 tháng năm nay ở trong khoảng 67 - 83 USD/thùng.

Nền kinh tế Việt Nam chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và các hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà, một bộ phận cán bộ vẫn sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc, việc khắc phục một số bất cập còn khó khăn, một số vấn đề tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta chỉ còn gần 2 tháng để nỗ lực hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, cần xác định những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu kết quả năm 2023 phải tốt hơn năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.