Thủ tướng: Sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng công chức còn chậm

Mai Hà
Mai Hà
12/11/2024 16:05 GMT+7

Đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội chiều nay 12.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tinh thần lắng nghe, cầu thị để tiếp tục đổi mới trong lãnh đạo và điều hành.

Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội tại phiên chất vấn, Thủ tướng cho biết kết quả đạt được trong 10 tháng tốt hơn cùng kỳ 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78%.
Thủ tướng: Sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng công chức còn chậm- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kinh tế - xã hội trước Quốc hội chiều 12.11

ẢNH: GIA HÂN

Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỉ USD. 

Chính phủ đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi; chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.

Mục tiêu GDP quý 4 đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024. "Tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải ngân đầu tư công còn chậm

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Dù đã ban hành nhiều văn bản thúc đẩy, song giải ngân còn chậm. 

10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%. Trong đó, có 29 bộ, cơ quan T.Ư và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Nguyên nhân chủ yếu, theo Thủ tướng, do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo; vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và quy hoạch sử dụng đất. 

Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm… 

Thủ tướng cho hay, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần "5 quyết tâm, 5 đảm bảo", phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch. 

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng nhắc lại kết quả quản lý, chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, dành nguồn lực tăng cho chi phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển.

Đồng thời, khắc phục hiệu quả việc đầu tư dàn trải; tỷ lệ nợ công, bội chi thấp hơn giới hạn cho phép. Quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được chú trọng; điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản cho nhà nước. Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trong đó triển khai Đề án 06 góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trên 3.000 tỉ đồng hằng năm…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Phải bứt phá, phải tăng trưởng, tháo gỡ điểm nghẽn"

Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực

"Tuy nhiên, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết của mình và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu", Thủ tướng nói.

Về nguyên nhân, theo Thủ tướng, có tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến lãng phí nguồn lực. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số dự án còn chưa nghiêm. Sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm.

Thủ tướng: Sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng công chức còn chậm- Ảnh 2.

Chính phủ sẽ tập trung xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”

ẢNH: GIA HÂN

Cạnh đó, tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục. Thủ tục hành chính còn rườm rà. Việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…

Về giải pháp, Chính phủ và Thủ tướng tập trung chỉ đạo rà soát quy định pháp luật; tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, nhất là chi thường xuyên. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…

Đặc biệt, xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém. 

"Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Tái khởi động các dự án điện hạt nhân

Theo Thủ tướng, thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12 - 13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện. 

Về dài hạn, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi... Đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.