Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Khơi thông 'điểm nghẽn' nguồn lực trẻ cho ĐBSCL

Đình Tuyển
Đình Tuyển
21/03/2023 06:00 GMT+7

Nếu lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, là nguồn lực cho sự phát triển của ĐBSCL thì đây lại chính là một trong những "điểm nghẽn" rất lớn của khu vực này.

Đây cũng là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn đặc biệt quan tâm, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương ĐBSCL tìm giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Công cuộc "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0", vì thế, càng trở nên cấp thiết, để vừa khơi thông "điểm nghẽn" về nhân lực vừa đặt nền tảng cho ĐBSCL phát triển, bứt phá.

Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Khơi thông 'điểm nghẽn' nguồn lực trẻ cho ĐBSCL  - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Trường phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương, TP.Sóc Trăng

THANH PHONG

Hơn bao giờ hết, người trẻ ĐBSCL đang cần có thêm sự đồng hành, chia sẻ cụ thể hơn nữa để có thêm động lực, phát huy tinh thần sáng tạo, tiên phong của mình... Những đề xuất, kiến nghị của thanh niên ĐBSCL cũng chính là những vấn đề thực tế của khu vực. Đó là chính sách về hỗ trợ vốn cho thanh niên lập thân, khởi nghiệp; về vai trò, trách nhiệm và cơ hội của thanh niên trong kỷ nguyên 4.0. Cùng với đó là những kiến nghị đề xuất cho giáo dục nông thôn, cho y tế, nông nghiệp địa phương và cả những vấn đề, thách thức lớn của cả khu vực.

Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Người trẻ kiến nghị điều gì?

Giáo dục nông thôn vẫn thiếu trước, hụt sau

Giáo dục vùng ĐBSCL lâu nay luôn được xem là "vùng trũng" của cả nước. Từng là một học sinh nông thôn ở Sóc Trăng, tôi đã có trải nghiệm rất rõ điều kiện học tập thiếu thốn, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trường lớp, sân chơi, kế đến là dụng cụ học tập rất thiếu, nhất là những tiết thực hành. 

Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Khơi thông 'điểm nghẽn' nguồn lực trẻ cho ĐBSCL  - Ảnh 1.

Nguyễn Trường Duy

NVCC

Ở trường THCS, THPT tôi từng học, việc vào thư viện là việc tôi và nhiều bạn học chưa nghĩ đến bởi thư viện đa số là sách đã xuất bản nhiều năm về trước, chưa có những quyển sách về cập nhật kiến thức mới. Trong khi đó, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, sĩ số lớp "rơi rớt" vẫn diễn ra hằng năm, nhiều bạn vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều bạn vì cha mẹ đi làm ăn xa ít được quan tâm…

 Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì đầu tiên cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho giáo dục ở những vùng nông thôn ĐBSCL. Đặc biệt, cần có những chính sách quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho những học sinh khó khăn, không để học sinh phải nghỉ học giữa chừng chỉ vì hoàn cảnh gia đình. Riêng đối với sinh viên, tôi mong rằng nhà trường luôn có sự kết nối chặt chẽ với những đơn vị tuyển dụng để là cầu nối tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có thể tìm ngay được công ăn, việc làm phù hợp với mình.

Nguyễn Trường Duy (Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ)

Chính sách hỗ trợ vốn cho thanh niên còn nhiều khó khăn

Tôi tốt nghiệp ngành lâm sinh, Trường ĐH Cần Thơ, ra trường đi làm về du lịch 2 năm thì quyết định nghỉ để khởi nghiệp mở cơ sở chuyên sản xuất nguyên vật liệu từ cây lục bình. Mong muốn là vừa phát triển kinh doanh từ cây lục bình vốn rất phổ biến ở ĐBSCL vừa giúp người ở quê có việc làm, thêm thu nhập.

Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Khơi thông 'điểm nghẽn' nguồn lực trẻ cho ĐBSCL  - Ảnh 2.

Trần Ngọc Thuận

Công việc của tôi là thu mua nguyên liệu lục bình tươi, sau đó phơi khô, phân loại, ép thành kiện rồi bán cho khách hàng. Cứ 10 tấn tươi, sau 8 - 10 ngày phơi sẽ thu được tương đương 800 kg. Tuy nhiên, đi vào hoạt động mới thấy sự sáng tạo, năng nổ của mình thôi chưa đủ mà cần phải có vốn, nhưng khó là mình không có tài sản thế chấp. Vay vốn tín chấp thì cũng không được bao nhiêu.

Có một điều khá trớ trêu là thường người ta sản xuất ổn định mới có đầu ra, còn ở đây, tôi có đầu ra rồi nhưng thiếu vốn để sản xuất ổn định. Chẳng hạn, mới đây khách hàng yêu cầu một container 15 tấn, nhưng với nguồn lực của mình, tôi chỉ đủ khả năng gom hàng được một nửa. Vậy là phải chạy vạy liên hệ những đầu mối khác để hùn lại cho đủ hàng cung cấp cho đối tác. Hiện tại, tôi cần vay 500 triệu đồng để mua xe tải, làm vốn lấy hàng nhưng thực sự khó tìm được nguồn vốn vay khi mình không có tài sản thế chấp.

Tôi tin rằng có không ít người khởi nghiệp cũng rơi vào hoàn cảnh như tôi. Vì vậy, rất mong Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa cho thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là với những mô hình không có tài sản thế chấp nhưng có tiềm lực và khả năng phát triển, mở rộng.

Trần Ngọc Thuận (Xã Vĩnh Trung, H.Tịnh Biên, An Giang)

Đào tạo ngoại ngữ, tin học cần phải thực chất hơn

Trong xu thế hội nhập hiện nay thì ngoại ngữ và tin học là hai yếu tố rất quan trọng, là nền tảng vô cùng cần thiết để người trẻ bước vào kỷ nguyên 4.0. Nhưng một thực tế là chất lượng đào tạo ngoại ngữ, tin học ở ĐBSCL hiện vẫn rất thiếu hiệu quả, đặc biệt là ở nông thôn.

Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Khơi thông 'điểm nghẽn' nguồn lực trẻ cho ĐBSCL  - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Kim Tuyến

Như tại quê tôi ở H.Tam Bình, Vĩnh Long, tiếng Anh và tin học đã được vào chương trình lớp 3. Nhưng sau 12 năm học tập, trải qua nhiều thầy cô khác nhau, theo những cách dạy khác nhau, phần lớn học sinh vẫn không thể sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp. Trong khi đó, các trung tâm đào tạo chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì còn rất xa lạ đối với học sinh vùng nông thôn.

Hiện tại, tôi thấy hầu hết học sinh THPT, thậm chí vào đại học vẫn rất vất vả làm quen, học tập lại chương trình tiếng Anh, nhiều người gần như phải học lại từ đầu. Trong khi đó, ngoại ngữ, tin học ngày càng trở nên cần thiết và là yêu cầu bắt buộc của hầu hết các nhà tuyển dụng. Muốn tìm được việc làm tốt, không thể không biết ngoại ngữ, tin học.

Bản thân là sinh viên xuất thân từ nông thôn của ĐBSCL, tôi mong rằng giáo dục ngoại ngữ, tin học ở nông thôn cần phải được đầu tư nhiều hơn, đi vào thực chất hơn. Cần phải làm thế nào để học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12, vào giảng đường đại học hay đi học nghề đều có được một nền tảng ngoại ngữ, tin học cơ bản đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Nguyễn Thị Kim Tuyến (Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ)

Để người trẻ ngành y đừng nản chí

Cùng với giáo dục, nhiều năm qua y tế ở ĐBSCL cũng được đánh giá là gặp nhiều khó khăn so với các khu vực khác trên cả nước, nếu không muốn nói là "vùng trũng" của cả nước. Để đưa y tế ĐBSCL đi lên thì vai trò của thế hệ trẻ đang theo học ngành y là rất lớn. Tuy nhiên, là một sinh viên y khoa, tôi nhận thấy việc học ngày càng vất vả, áp lực, học phí cao nhưng để ra trường có việc làm, có cơ hội phát triển lại không hề dễ dàng. Nhiều anh, chị khóa trước chia sẻ học 6 năm tốn vài trăm triệu đồng, ra trường vẫn chưa thể đi làm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên y khoa còn phải trải qua 18 tháng, tốn thêm vài chục triệu đồng nữa để học lấy chứng chỉ hành nghề. Như vậy tổng cộng là học 7 năm rưỡi mới có được tấm bằng bác sĩ đa khoa với mức lương ít ỏi chưa tới 3 triệu đồng/tháng, trong khi áp lực nghề nghiệp vô cùng lớn. Không ít anh, chị khác sau khi ra trường xin về tuyến huyện, thị làm thì lại thiệt thòi, ít có điều kiện phát triển chuyên môn khi lượng bệnh nhân hạn chế, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiếu thốn.

Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Khơi thông 'điểm nghẽn' nguồn lực trẻ cho ĐBSCL  - Ảnh 4.

Nguyễn Trần Khánh Vân

Là một bác sĩ tương lai, tôi thực sự mong rằng đào tạo nhân lực ngành y cho ĐBSCL cần được quan tâm nhiều hơn, cần có nhiều chính sách hỗ trợ người học y hơn, đặc biệt là về học phí, thực hành, chính sách lương bổng cho bác sĩ trẻ... Điều này không chỉ giúp ngành y tế tiếp tục thu hút được những người giỏi, có nhiệt huyết, mà hơn hết là xây dựng được những lực lượng kế thừa đủ tốt để đưa y tế ĐBSCL đi lên.

Nguyễn Trần Khánh Vân (Sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ)

Giúp người trẻ hiểu hơn về những thách thức của đồng bằng

ĐBSCL đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún, triều cường, suy giảm nguồn nước... Bên cạnh những nguyên nhân từ tự nhiên, có một phần không nhỏ là những vấn đề nội tại, phát triển thiếu bền vững từ chính con người như xây dựng đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông, khai thác nước ngầm quá mức... Mặc dù đây là những vấn đề lớn, nhưng với cương vị là một giảng viên viên trẻ, tôi thấy rằng người trẻ ĐBSCL rất cần được trang bị kiến thức, hiểu biết về những vấn đề, thách thức của khu vực.

Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Khơi thông 'điểm nghẽn' nguồn lực trẻ cho ĐBSCL  - Ảnh 5.

Thạc sĩ Huỳnh Thúy Vi

Việc đồng hành, chia sẻ với người trẻ về các vấn đề của ĐBSCL, của đất nước chắc chắn sẽ giúp các bạn có ý thức, trách nhiệm hơn với môi trường, thiên nhiên, sống có trách nhiệm hơn với người khác, với cộng đồng.

Để làm được điều này, tôi tin rằng ngoài việc truyền đạt kiến thức cho thanh niên ở trường lớp, chương trình đào tạo, cần phải quan tâm nhiều hơn đến các chương trình ngoại khóa, những tiết học về kỹ năng sống, về các vấn đề môi trường, xã hội. Đặc biệt là phải làm thế nào biến nhận thức thành hành động. Đó có thể là những chương trình thiện nguyện thu gom rác, trồng cây xanh chống sạt lở, hay đơn giản là có ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng chỗ, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện ở gia đình mình..., luôn lan tỏa những điều tốt đẹp đến với cộng đồng.

 Thạc sĩ Huỳnh Thúy Vi (Giảng viên Trường ĐH Tây Đô)

Cần sự hỗ trợ vốn để mở rộng kinh doanh

Tôi khởi nghiệp khoảng 4 năm nay với cơ sở làm quà tặng, quà lưu niệm, tranh gỗ, tranh lá thốt nốt. Hiện tại, đầu ra của sản phẩm được Tỉnh đoàn An Giang hỗ trợ rất nhiều, ngoài ra cũng được giới thiệu để cung cấp hàng cho các tỉnh, thành khác như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tây Ninh. Điều thuận lợi của giới trẻ là rất sáng tạo, sẵn sàng khởi nghiệp, chấp nhận thử thách nhưng như thế là chưa đủ. Người trẻ rất cần có những cơ chế chính sách riêng để hỗ trợ, khuyến khích mạnh dạn khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp làm giàu từ những tiềm năng, lợi thế trên quê hương của mình.

Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Khơi thông 'điểm nghẽn' nguồn lực trẻ cho ĐBSCL  - Ảnh 7.

Nguyễn Vũ Linh

Hiện tại, tôi đang có kế hoạch, nghiên cứu làm thêm sản phẩm quà tặng từ các loại lá, hoa đáp ứng tất cả các dịp lễ, tết trong năm. Mong muốn là có thể tạo ra thật nhiều sản phẩm quà tặng gắn liền với các địa phương ĐBSCL để làm quà cho du khách khi đặt chân đến miền Tây. Tuy nhiên, cũng như rất nhiều mô hình khởi nghiệp khác, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ vốn để mở rộng kinh doanh và cần sự ủng hộ về tinh thần, những đóng góp để ngày một hoàn thiện hơn, tạo ra những sản phẩm tốt nhất đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nguyễn Vũ Linh (Cơ sở xuất thủ công mỹ nghệ Linh Handmade, 

xã Thới Sơn, H.Tịnh Biên, An Giang)

Nông dân làm giàu với đồng ruộng, người trẻ không phải tha hương

Gia đình tôi có hơn 10 ha đất ruộng trồng lúa nên đã quá quen với điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa. Đặc biệt, khoảng 7 năm trở lại đây tình hình thời tiết thay đổi, khô hạn, xâm nhập mặn thất thường. 

Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Khơi thông 'điểm nghẽn' nguồn lực trẻ cho ĐBSCL  - Ảnh 7.

Trần Văn Tuấn

Trước đây, người dân ở quê tôi làm 3 vụ lúa/năm nhưng sau này họ đã buộc phải ngưng sản xuất lúa vụ 3, tức vụ lúa vào cuối mùa mưa đầu mùa khô. Bởi vì sản xuất vụ này rất rủi ro, luôn có nguy cơ thiếu nước, nhiễm mặn, nhiều năm liền nông dân mất trắng. Mặc dù được mệnh danh là vựa lúa của cả nước nhưng có thể thấy, khi khí hậu, thời tiết thay đổi thì sản xuất của người dân càng thêm bấp bênh. 

Chính vì vậy, tôi mong rằng Chính phủ, các bộ ngành sẽ sớm có cách nào đó giúp nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững hơn. Làm thế nào phát huy những giống lúa ngon, nổi tiếng, xây dựng được thương hiệu gạo cho Việt Nam. Chỉ khi nâng được giá trị xuất khẩu gạo thì thu nhập của người nông dân như gia đình tôi mới được cải thiện nhiều hơn. Khi người dân nông thôn có thể phát triển, làm giàu trên chính đồng ruộng của mình thì tình trạng người trẻ rời quê hương đến nơi khác làm ăn xa chắc chắn sẽ giảm đi.

Trần Văn Tuấn (Xã Long Phú, H.Long Phú, Sóc Trăng)

Nhiều người chưa nắm rõ Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì

Có nhiều thanh niên còn chưa nắm rõ Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì, làm thế nào tìm được việc làm hay khởi nghiệp thành công trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0? Nhiều thanh niên đã hoàn thành chương trình học, tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng vẫn loay hoay tìm việc, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã có chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030, nhưng khi triển khai đến địa phương lại phát sinh nhiều vướng mắc, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng. 

Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Khơi thông 'điểm nghẽn' nguồn lực trẻ cho ĐBSCL  - Ảnh 8.

Trần Việt Tuấn

Từ thực tế đó, để phát huy hơn nữa vai trò, sức sáng tạo, tinh thần tiên phong của thanh niên, cần giúp thanh niên nhận thức rõ về Cách mạng công nghiệp 4.0, mà một trong những nhiệm vụ cốt lõi là chuyển đổi số. Đây không chỉ là trách nhiệm của thanh niên mà còn là cơ hội để cống hiến, khẳng định mình, góp phần kiến thiết, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến cơ chế, chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho thanh niên lập thân, lập nghiệp, đặc biệt là những mô hình khởi nghiệp biết phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương mình.

Trần Việt Tuấn (Phó bí thư Thành đoàn Cần Thơ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.