Nhậm chức sau cuộc đảo chính năm 2014, cựu tổng tư lệnh quân đội Prayuth đang đối mặt lời kêu gọi từ chức từ phong trào biểu tình do sinh viên lãnh đạo trong nhiều tháng qua, theo AFP.
Người biểu tình cho rằng ông Prayuth có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực nhờ vào cuộc bầu cử bị tố là gian lận, bất hợp pháp năm 2019 và hôm 21.10 đã ra thời hạn cho ông 3 ngày để từ chức.
Thời hạn trước 10 giờ tối 24.10 đã trôi qua, nhưng thủ tướng vẫn không từ chức. Sau khi đến thăm một ngôi chùa ở thủ đô Bangkok cùng, ông Prayut nhấn mạnh "mọi thứ đều có thể giải quyết được" thông qua thỏa hiệp.
"Chính phủ có ý định thực sự để giải quyết các vấn đề với điều kiện người biểu tình tuân thủ quy định của pháp luật. Tôi sẽ không từ chức", ông Prayut nói.
Sau đó, người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục xuống đường vào lúc 16 giờ ngày 25 và 26.10 ở thủ đô Bangkok.
"Chúng ta đã nghe câu trả lời từ thủ tướng. Với tư cách là công dân, chúng ta sẽ tiếp tục xuống đường phản đối ông Prayut", người biểu tình Jatupat "Pai" Boonpattararaksa nói với đám đông bên ngoài một nhà tù ở Bangkok.
Đám đông tập trung trước nhà tù vào tối 24.10 để kêu gọi trả tự do những người biểu tình bị bắt giữ trước đó.
Phong trào biểu tình không có thủ lĩnh nhưng nhiều nhóm khác nhau đã đoàn kết khi đề cập đến việc yêu cầu chính phủ Thủ tướng Prayut phải ra đi.
Thủ tướng Prayut hôm 15.10 ban hành sắc lệnh khẩn cấp, cấm tụ tập hơn 4 người để đối phó biểu tình. Tuy nhiên, ông đã dỡ bỏ sắc lệnh sau một tuần vì không thể ngăn chặn hàng chục ngàn người tham gia cuộc biểu tình khắp thủ đô Bangkok.
Ông Prayut triệu tập một phiên họp quốc hội Thái Lan đặc biệt vào ngày 26.10 để tìm ra cách xoa dịu căng thẳng.
Bình luận (0)