Trước khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, trong lịch trình dày đặc hoạt động, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn dành hơn một tiếng để chia sẻ với các giáo sư, sinh viên tại Đại học Quốc gia Seoul.
Bài phát biểu có chủ đề "Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc đơm hoa kết trái, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì lợi ích hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới" nhận được sự quan tâm từ khán phòng hàng trăm người.
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính xin chào bằng tiếng Hàn. Thủ tướng bày tỏ xúc động khi đến thăm Đại học Quốc gia Seoul - trường đại học hàng đầu của châu Á, nổi tiếng trên thế giới, là biểu tượng của nền giáo dục chất lượng cao của Hàn Quốc, đất nước có hơn 70.000 sinh viên Việt Nam đang theo học.
Ấn tượng về bề dày lịch sử, thành tựu của Đại học Quốc gia Seoul, Thủ tướng nói, đây là nơi đào tạo nhiều chuyên ngành nhất, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất, top 7 trường hàng đầu Hàn Quốc, top 35 trường hàng đầu thế giới.
"Đây là cái nôi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng Hàn Quốc như Tổng thống Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp Hàn Quốc", Thủ tướng nói.
Qua trao đổi với các nhà lãnh đạo này, Thủ tướng cho biết đều cảm nhận các phẩm chất của các cựu sinh viên Đại học Quốc gia Seoul là những người có tầm nhìn, lý tưởng, say mê, nhiệt huyết và trí tuệ.
Trong thời đại phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục - đào tạo, nhất là bậc đại học và sau đại học ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng, đóng vai trò then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.
Đối với Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Seoul mang một sứ mệnh vẻ vang, có ý nghĩa rất quan trọng. "Hàn Quốc có câu: Giáo dục là kế sách trăm năm. Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng giáo dục - đào tạo, xác định rõ là quốc sách hàng đầu, mang tính chiến lược lâu dài", Thủ tướng nhấn mạnh.
Dành nhiều thời gian phân tích về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc, Thủ tướng nhìn nhận, quan hệ hai nước đã không ngừng phát triển, trở thành hình mẫu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Đông Á với mức độ hợp tác thành công chưa từng có.
Việt Nam - Hàn Quốc vừa là đối tác, vừa là "thông gia"
Việt Nam và Hàn Quốc là bạn, là đối tác gần gũi, tin cậy, vừa có nhiều điểm tương đồng về truyền thống văn hoá, dân tộc, đặc biệt là tình cảm "thông gia" bền chặt qua nhiều thế hệ. Hai nước đã có mối quan hệ thân tình từ nhiều thế kỷ trước. Cụ thể, hai dòng họ Lý Việt Nam từ thế kỷ 12, 13 đã sang Cao Ly định cư và đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước Cao Ly.
Sự gần gũi về văn hóa đã làm nhân dân hai nước ngày càng xích lại gần nhau hơn. "Ngày nay, giới trẻ Việt Nam rất hâm mộ phim Hàn Quốc, K-pop, người dân Việt Nam thích ăn kim chi. Người dân Hàn Quốc đến các nhà hàng Việt Nam tại Hàn Quốc thưởng thức món phở đã trở thành thói quen hàng ngày", Thủ tướng dẫn chứng.
Ngoài ra, còn có khoảng 70 cặp địa phương hai nước ký kết quan hệ hợp tác, khoảng 80.000 gia đình đa văn hóa, là cầu nối quan trọng và bền vững cho hai nước… Đặc biệt, hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục - đào tạo ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh cần tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển hơn nữa với những cách làm mới, tư duy mới và định hướng mới, tập trung thúc đẩy 5 "ưu tiên". Trong đó, ưu tiên củng cố nền tảng của quan hệ, đó là hiểu biết lẫn nhau và gia tăng tin cậy chính trị; ưu tiên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư và lao động theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả, cân bằng bền vững.
"Chúng ta chưa có công trình biểu tượng nào. Lần này chúng tôi qua đặt vấn đề với Hàn Quốc để chúng ta nghiên cứu có công trình biểu tượng. Ví dụ như đường sắt cao tốc hoặc công trình gì đó mang tính biểu tượng cho hai đất nước, hai dân tộc", Thủ tướng nêu.
Dù thời gian hạn chế, sau khi kết thúc bài phát biểu, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam vẫn sẵn sàng trao đổi và giải đáp nhiều câu hỏi. Đặt câu hỏi với Thủ tướng, bà Bùi Thị Mỹ Hằng, vừa lấy bằng tiến sĩ và hiện công tác tại Trung tâm Việt Nam thuộc ĐH Quốc gia Seoul, mong được biết về tầm nhìn của Thủ tướng với mối quan hệ 30 năm tới giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
Cho biết “câu hỏi hay nhưng cũng rất khó", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mối quan hệ giữa hai nước trong 30 năm tới được xây dựng trên cơ sở tin cậy về chính trị cao hơn, hòa nhập của 2 nền kinh tế đã sâu rộng phải sâu rộng, tích cực chủ động hơn nữa.
Khai thác hiệu quả hơn sự tương đồng về văn hóa cho sự phát triển của hai nước; gắn kết con người giữa hai dân tộc tốt đẹp hơn, từ 80.000 gia đình đa văn hóa thì có thể nhiều hơn. “Hai nước có cùng chung một khát vọng để phát triển đất nước, hùng cường thịnh vượng thì cùng nhau hợp tác để biến khát vọng này thành của chung, để nhân dân hai nước được hạnh phúc ấm no”, Thủ tướng nói.
Bình luận (0)