Thủ tướng: Thu hút đầu tư các tập đoàn đa quốc gia

Mai Hà
Mai Hà
20/04/2023 10:44 GMT+7

Sáng 20.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050

Thủ tướng: Thu hút đầu tư các tập đoàn đa quốc gia  - Ảnh 1.

Thủ tướng dự hội nghị quy hoạch tổng thể quốc gia

NHẬT BẮC

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên định hướng quy hoạch đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành T.Ư.

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế xã hội và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước). 

Quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước.

Đây là căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương.

Đẩy nhanh việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển, gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực của doanh nghiệp và người dân. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia của Chính phủ để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan. 

Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả quy hoạch, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia. 

Đảm bảo tính đồng bộ, liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các chương trình, dự án của các ngành, các địa phương. 

Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn. Ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh kết nối các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế.

Phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia các công trình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). 

Thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài về  Việt Nam

Về thu hút đầu tư phát triển, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách phát triển các loại thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, thị trường bất động sản, huy động nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. 

Đổi mới mạnh mẽ chính sách và cách thức thu hút đầu tư nước ngoài và chuẩn bị đồng bộ các điều kiện như hạ tầng, thể chế, nhân lực... 

Huy động vốn vay nước ngoài với lãi suất ưu đãi, phù hợp để ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững. 

Thu hút các doanh nghiệp lớn có uy tín, năng lực tài chính, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư vào các vùng động lực, hình thành những cụm liên kết ngành, tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trong nước. 

Về phát triển nguồn nhân lực, thu hút và sử dụng hiệu quả trí tuệ, nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài về công tác tại Việt Nam hoặc cộng tác lâu dài với Việt Nam. 

Về nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển theo hướng tăng dần cho chi đầu tư phát triển và giảm dần chi thường xuyên một cách hợp lý. 

Cơ cấu lại chi đầu tư công theo hướng trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải, nâng cao hiệu quả, hiệu lực phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. 

Đẩy nhanh thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không thuộc danh mục mà Nhà nước cần nắm giữ, thực hiện giao, khoán, cho thuê doanh nghiệp, tạo dư địa cho huy động nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển. 

Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.