Chiều 24.10, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận tại tổ ngày 24.10 |
tuấn mark |
Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cho rằng, dự thảo luật đang thiếu quy định chống rửa tiền liên quan tới tiền ảo, tiền kỹ thuật số.
"Hiện tại nước ta cấm, chưa công nhận giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, nhưng thực tế các giao dịch qua các loại tiền này đang phổ biến. Do đó, nếu chúng ta không quan tâm với vấn đề này ở dự luật lần này thì đây chính là kẽ hở của rửa tiền", đại biểu Vận nói và đề nghị dự luật nên nghiên cứu, bổ sung quy định về loại giao dịch này.
Theo đại biểu đoàn Hưng Yên, việc Chính phủ giải trình rằng do tiền ảo chưa được pháp luật công nhận nên chưa đưa vào luật là chưa ổn vì nếu luật Phòng, chống rửa tiền không quy định tiền ảo thì sẽ tạo ra kẽ hở.
Đại biểu dẫn ví dụ, các đối tượng dùng tiền thật mua tiền ảo, rồi ra nước ngoài bán đồng tiền ảo này thì đương nhiên là chuyển được lượng tiền ra nước ngoài thông qua tiền ảo mà nhà nước lại không quản lý được.
"Nên đưa vào để quản lý nó", đại biểu Vận kiến nghị.
Tương tự, đại biểu Trình Lam Sinh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đề nghị bổ sung loại giao dịch tiền ảo vào phạm vi điều chỉnh của luật này.
"Tiền ảo hiện nay pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận, đồng ý, nhưng thực tế có giao dịch, giao dịch rất nhiều, và cũng rất nhiều người tham gia hoạt động đó là sàn tiền ảo. Như vậy, đây là nơi có thể trở thành điểm rửa tiền nhiều nhất để tài trợ cho tội phạm nhất là tội phạm khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, rất nguy hiểm", đại biểu Sinh nêu.
Thủ tướng: "Tôi cũng sốt ruột khi tiền ảo chưa công nhận nhưng dân vẫn giao dịch" |
Nêu ý kiến tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, vấn đề tiền ảo là thực tế song phải "cân nhắc".
"Tiền ảo ta chưa công nhận, nhưng thực tế, như một số đại biểu nói đúng, người ta vẫn sử dụng tiền ảo này, thực tế là có. Chỗ này xử lý thế nào cho phù hợp", Thủ tướng nêu.
Theo Thủ tướng, nếu không có chế tài xử lý thì thực tế vẫn diễn ra. Khi thảo luận tại Chính phủ thì cũng có 2 ý kiến khác nhau, nhưng cuối cùng thống nhất là chưa công nhận thì không quy định trong luật.
"Nhưng thực tế nó vẫn sử dụng thì thế nào. Có chế tài xử lý không? Nếu không quy định phải có chế tài xử lý chứ. Nó diễn biến rất nhanh. Mà tôi thấy cũng là thực tế, cũng rất sốt ruột về chỗ này khi mà mình chưa công nhận nhưng thực tế người ta vẫn giao dịch", Thủ tướng nói và cho rằng, cần nghiên cứu chế tài xử lý cho phù hợp và nên giao cho Chính phủ quy định.
Tài sản số hóa cũng có thể rửa tiền
Ngoài tiền ảo, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng, dự luật chưa cập nhật được các vấn đề về tài sản số, tài sản ảo.
"Tôi mua bức tranh 2 chục ngàn USD, ông hoạ sĩ không gửi bức tranh cho tôi mà gửi tài sản được số hóa, mã hóa cho tôi. Cái này cũng giống như tiền ảo và bức tranh này chỉ tôi sở hữu thôi. Đây là một loại mới bắt đầu phát triển, nó có thể giá trị rất cao, người ta có thể dùng nó để rửa tiền", đại biểu Nghĩa nói và cho rằng, nếu chỉ đề cập tiền ảo, tiền kỹ thuật số cũng chưa bao quát hết.
Từ đó, ông Nghĩa cho rằng, khi chưa cập nhật được các vấn kinh tế số, tài chính số trên thế giới thì nên nghiên cứu kỹ để đảm bảo được mục tiêu phòng, chống rửa tiền.
Trong khi đó, theo đại biểu Trình Lam Sinh, việc rửa tiền hiện nay không chỉ lưu thông qua tiền tệ, vàng bạc và các loại tiền khác trong hệ thống ngân hàng mà còn thông qua hoạt động mua bán bất động sản.
Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng, nên ông Sinh đề nghị bổ sung trách nhiệm Bộ TN-MT và cơ quan trực thuộc để nâng cao trách nhiệm cũng như phối hợp trong phòng, chống rửa tiền chặt chẽ hơn.
Bình luận (0)